Vực dậy làng nghề gốm sứ
(BDO) Thời hoàng kim những năm 90 thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh có đến hàng ngàn cơ sở lớn nhỏ sản xuất gốm thủ công gia truyền. Làng nghề vốn tập trung sản xuất, cung cấp vật dụng gia đình, vật dụng sinh hoạt, nay nhằm đáp ứng thị trường, một số gia đình đã nhạy bén chuyển hướng sản xuất nâng cao chất lượng và thẩm mỹ vươn lên trở thành những công ty lớn có kim ngạch xuất khẩu hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm như Minh Long, Phước Dũ Long, Minh Phát... Số cơ sở, gia đình sản xuất gốm sứ còn lại cũng đang nỗ lực duy trì và phát triển ngành nghề này.
Sản xuất gốm tại Công ty Phước Dũ Long Ảnh: K.VINH
Không nhạy bén là thua
Chúng tôi tìm về các làng gốm Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, Thủ Dầu Một nức danh một thời của Bình Dương. Số cơ sở, hộ sản xuất gốm thủ công gia truyền đang gặp rất nhiều khó khăn. Dì Sáu Chi, ngụ phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên nói với giọng buồn bã: “Ngày trước, lò gốm của tôi chuyên sản xuất chén, dĩa, tô… anh em, con cháu trong nhà bu vào làm không kịp đơn hàng cho khách, lò nung không bao giờ để nguội. Tôi đóng cửa lò hơn 3 năm nay vì người ta không chuộng hàng đất nung nữa. Con cái tôi giờ đi làm công nhân để mưu sinh hết”.
Trong thời gian qua, công tác khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống ở Bình Dương như sơn mài, gốm sứ, gỗ điêu khắc… gắn với phát triển du lịch đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành du lịch tỉnh. Bình Dương đã có nhiều hoạt động, định hướng liên quan đến việc bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề truyền thống được tổ chức, có thể kể đến như: Tổ chức Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010 lần thứ nhất; tổ chức các tour famtrip nhằm tiếp thu ý kiến đánh giá, góp ý khách quan của du khách về ưu - khuyết điểm của làng nghề truyền thống; làm đĩa phim giới thiệu về du lịch Bình Dương, trong đó có các làng nghề truyền thống; mở các gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các ngày hội du lịch, festival ở nhiều nơi… nhằm quảng bá, thu hút du lịch đến với các làng nghề. PHƯƠNG LÊ |
Đó là lý do thị trường gốm sứ Bình Dương hiện được chia thành hai phân khúc. Trong khi số đông còn loay hoay tìm giải pháp để duy trì lò nung chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước thì một số doanh nghiệp đã chuyển mình, tích cực hướng đến thị trường cao cấp không những phục vụ nhu cầu gia dụng mà còn phục vụ trong trang trí nội ngoại thất, kiến trúc.
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương từng tự hào: “Tỉnh Bình Dương chỉ có khoảng 20 - 30 công ty hoạt động quy mô nhưng chiếm đến 70 - 80% thị trường xuất khẩu gốm sứ của cả nước, với doanh thu hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm. Đó đúng là một kỳ tích”. Theo ông Minh, Hiệp hội gốm sứ Bình Dương rất quan tâm đến sự sống còn của làng nghề gốm sứ nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương lần thứ I-2010 đã tạo tiếng vang lớn đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Song, để làm “nóng” lại lò nung truyền thống của cơ sở theo quy mô hộ gia đình là câu chuyện cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng.
Kỳ tích có giữ được làng nghề?
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương cho biết, bản thân hiệp hội rất quan tâm tới làng nghề truyền thống và cơ quan ban ngành cũng đưa ra nhiều cơ chế thông thoáng để giúp vực dậy làng nghề. Tuy nhiên, sự sống còn của mỗi cơ sở vẫn do chính người chủ quyết định. Họ cần phải năng động và nhiệt huyết hơn với nghề; phải đầu tư thay đổi mẫu mã, trang thiết bị; phải chủ động hơn trong việc quảng bá sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm của cơ sở mình. “Với thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, tôi nghĩ việc tìm kiếm khách hàng không quá khó khăn. Hiệp hội luôn sẵn sàng cung cấp, chia sẻ thông tin với các cơ sở có nhu cầu”, ông Tín nói.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một số công ty gốm sứ như Minh Sáng, Minh Cường… đang triển khai mô hình biểu diễn làm gốm cho khách tham quan du lịch. Ngoài ra, các công ty này cũng cho phép khách du lịch tự tay làm các sản phẩm đơn giản trong suốt quá trình tham quan tại lò gốm của công ty. Ông Tín cho biết, công ty của ông hiện đang được một số công ty lữ hành gợi ý làm mô hình tham quan và hướng dẫn du khách làm một số sản phẩm gốm sứ dễ làm phục vụ nhu cầu du khách. Trong thời gian tới, ông sẽ tiến hành mô hình này, nếu gặp được đối tác ưng ý và nghiêm túc công ty sẽ triển khai kế hoạch trong thời gian sớm nhất. Thiết nghĩ, đây là hướng đi tuy không mới nhưng vẫn có thể áp dụng tại các cơ sở sản xuất nhỏ, quy mô gia đình nhằm giúp các cơ sở có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, cái khó vẫn là làm sao thuyết phục các công ty lữ hành đưa khách tham quan về tận cơ sở để họ có những trải nghiệm thú vị làng nghề gốm sứ Bình Dương.
Nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 3530/QĐ- UBND ngày 14-11-2011 về Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện quyết định này. Tin rằng, cùng với sự vào cuộc của tỉnh, sự năng động, siêng năng, chịu khó của các nghệ nhân làng gốm, gốm sứ Bình Dương sẽ sớm hồi sinh trở lại cả trên phương diện chiều rộng lẫn chiều sâu.
Làng nghề gốm sứ Thow Kwang (Singapore) tuy bị hạn chế hoạt động vì lý do môi trường nhưng họ vẫn có cách làm hay để thu hút khách du lịch. Các cơ sở trong làng nghề Thow Kwang thường tổ chức cho khách tham quan làm các vật dụng đơn giản như ly, chén, bình hoa… khách tham quan tự tay mình nhào bột và tạo hình cho các sản phẩm theo ý của mình. Thành phẩm thô sẽ được đưa vào lò nung công nghiệp ít khói thải ra môi trường, sau cuối buổi tham quan khách có thể lấy sản phẩm mà mình sáng tác, hoặc sản phẩm do khách tự tay làm sẽ được gửi tới tận nhà khách tham quan theo yêu cầu
PHÙNG HIẾU