Vụ thầy lang chữa bệnh bằng “phương pháp đặc biệt” ở phường Chánh Nghĩa (TX.TDM): Người bệnh nên tỉnh táo!
Xe lòng heo phá lấu bày bán trước “phòng khám”
Thời gian gần đây trên địa bàn TX.TDMä xôn xao thông tin một thầy lang ở phường Chánh Nghĩa có khả năng chữa bệnh bằng nước lã rất hiệu nghiệm. Tin đồn truyền xa, khắp nơi bệnh nhân lũ lượt tìm đến “phòng khám” với hy vọng được “mẹ” chữa cho lành bệnh...Theo tin đồn, chúng tôi trong vai những người bệnh tìm đến nhà “mẹ” chạy chữa bệnh tật. Tiếp chúng tôi là người phụ nữ trung niên tự nhận là “mẹ” để xưng hô với các bệnh nhân. Bà giới thiệu mình tên là Đ., được “mẹ” nhập vào! Sau khi tìm hiểu “vì sao chúng tôi biết thông tin”, “mẹ” bắt đầu thao thao về khả năng phi thường của mình: “Con cầu nguyện mẹ đi. Bệnh nào mẹ cũng chữa được kể cả bệnh ung thư. Mẹ chỉ cần cho uống nước lạnh là khỏi. Miễn là các con phải thành tâm, phải siêng đến...”!? Lúc này, người phụ nữ bán hàng ăn trước nhà tiến vào hướng dẫn chúng tôi vào bàn thờ thắp nhang. Tiếp đó, chúng tôi trở lại bộ salon gỗ đặt ở phòng khách và bắt đầu “khai” bệnh. Người bạn đi cùng tôi cho biết mình mắc bệnh dạ dày, xoang đã lâu, chữa chạy nhiều nơi không khỏi. Bản thân tôi vừa liệt kê một số căn bệnh thông thường vừa nhìn “mẹ” với cặp mắt thành khẩn, cầu cứu. “Mẹ” cầm tay từng người và phán: “Con bị bệnh nặng lắm! Nếu thành tâm hướng phật thì “mẹ” chữa cho. Nếu ba lần không hết “mẹ” sẽ “ kê” toa thuốc để ra tiệm mua”. Rồi lại khẳng định lần nữa: “Mẹ nhập vào rồi. Bệnh ung thư chữa cũng lành”! Sau màn quảng cáo, “mẹ” bắt đầu “khám” và “trị” cho từng người. “Mẹ” ngồi đối diện, trực tiếp xoa, đấm và bóp lên trán, vai và lưng. Bệnh nhân nào đau bụng, “mẹ” yêu cầu kéo áo rồi xoa, vỗ vào bụng mấy cái. Người phụ nữ lúc nãy đem ba cây nhang đến, “mẹ” lấy nhang hơ vào tai bệnh nhân, miệng lâm râm đọc “thần chú”. Cuối cùng, “mẹ” rót cho bệnh nhân mỗi người một ly nước trắng rồi giải thích: “Ly nước của mẹ là của trời ban. Uống nước lạnh của mẹ mới khỏi, chứ uống bao nhiêu thuốc Tây cũng vậy”! Không còn sự lựa chọn nào khác, chúng tôi đành “nhập vai” dù không biết mình đang uống gì. Trong lúc chúng tôi đang chữa bệnh, người nhà của “mẹ” vẫn đi lại, sinh hoạt rất bình thường. Riêng người phụ nữ đưa nhang không ngớt khen ngợi, phụ họa để “mẹ” tăng thêm uy. Nhìn tôi có vẻ nghi ngờ, “mẹ” gằn giọng: “Bệnh của con mà đi mười cái nhà thương cũng không hết. Nếu con mà hỏi dông dài, mẹ làm con mệt đó”! Uống xong nước phép, chúng tôi bắt đầu trao đổi về “phí” khám, “mẹ” bảo: “Các con không cần trả tiền, chỉ cần lần sau đến mang theo trái cây là được. Tùy lòng thành của các con...”. Chưa kịp tiếp lời trước câu nói ý nhị của “mẹ” thì có bệnh nhân tìm đến. Có lẽ là bệnh nhân cũ, họ thành thạo mang giỏ trái cây vào bàn thờ rồi thắp nhang, khấn vái. Bà N.T.M.A, một bệnh nhân ở phường Phú Cường chia sẻ: “Tôi đến đó khám được 1 lần, thấy bệnh cũng không có gì biến chuyển nên không đến nữa...”. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được như bà A. Theo nguồn tin từ bà con cho biết: mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân, chủ yếu là các cặp vợ chồng, đủ mọi lứa tuổi đến khám và chữa bệnh tại đây. “Phòng khám” của “mẹ” bận rộn nhất là vào buổi tối. Điều đáng nói, phòng khám này nằm sát trụ sở UBND phường Chánh Nghĩa nhưng hoạt động khám chữa bệnh kiểu “quái lạ”, mê tín này vẫn diễn ra ngang nhiên.
Trao đổi về trường hợp này, bà Võ Thị Bạch Yến, Chủ tịch UBND phường Chánh Nghĩa cho biết: “Địa phương đã theo dõi và nắm được vụ việc từ lâu. Mới đây, cán bộ văn hóa, lực lượng công an phường phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất vào lúc bà Đ. đang khám bệnh. Bệnh nhân cho biết: bà Đ. không thu tiền mà tùy lòng thành của bệnh nhân. Thời điểm ngành chức năng đến, bà Đ. biểu hiện trạng thái bệnh tâm thần khiến chúng tôi rất khó xử lý. Việc chữa bệnh bằng nước lạnh và nhang khói tuy không gây nguy hiểm cho bệnh nhân nhưng là hình thức mê tín, kỳ quặc gây ngộ nhận, mất thời gian của người bệnh phải được bài trừ. Địa phương có cho người ngồi trước nhà bà để cảnh báo bệnh nhân không nên vào khám nhưng bà Đ. lại phản ứng quá dữ dội. Những ngày gần đây, hoạt động chữa bệnh của bà Đ. chuyển sang buổi chiều tối để tránh sự giám sát của địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối kết hợp với ngành hữu quan để tiếp tục giải quyết trường hợp này...”.
Bà Lê Thị Tuyết Bình, Trưởng phòng Y tế thị xã cho biết: thời điểm mà ngành chức năng đến kiểm tra phía gia đình bà Đ. cho hay bà mắc bệnh tâm thần, gia đình nhiều lần khuyên răn nhưng không được. Kèm theo đó là giấy xác nhận bệnh tâm thần của Bệnh viện Tâm thần Trung ương II cấp năm 2006. Thiết nghĩ, địa phương đã rất nỗ lực trong việc bài trừ các trường hợp trên nhưng việc “bà Đ. mắc bệnh tâm thần” không phải là lý do để địa phương và ngành chức năng bó tay, chùn bước; thực trạng diễn ra trước mắt UBND phường là điều khó chấp nhận. Mặt khác, dù có tiền sử mắc bệnh tâm thần nhưng khi chúng tôi thâm nhập thực tế nhận thấy bà Đ. rất tỉnh táo, khôn ngoan. Gia đình bà không có động thái nào nhắc nhở hành vi của bà. Nhân đây, xin gửi lời cảnh báo đến bà con gần xa đã và đang là bệnh nhân của bà Đ. nên có nhận thức đúng đắn. Nếu mắc bệnh nên đến các trung tâm y tế để được khám chữa bệnh một cách khoa học, đúng quy định chứ không nên tự chạy chữa theo kiểu mê tín dị đoan.
NHÓM P.V PHÁP LUẬT