Vụ tài xế mở cửa xe ô tô không quan sát gây chết người: Vụ việc đang trong quá trình điều tra

Thứ sáu, ngày 15/04/2016

(BDO) Đó là trả lời của trung tá Vũ Hữu Dáng, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an (CA) TP.TDM liên quan đến đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Ríp (P.Phú Lợi, TP.TDM).

Làm chết người vì mở cửa xe không quan sát

Trong đơn phản ánh gửi đến báo Bình Dương, bà Ríp trình bày: Vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 11-2- 2016, con trai bà là Nguyễn Thanh Nghĩa (SN 1997) điều khiển xe máy BS 93F5-7405 lưu thông trên đường Thích Quảng Đức (P.Phú Cường, TP.TDM) thì xảy ra tai nạn giao thông với xe ô tô 4 chỗ do tài xế tên N. (P.Phú Cường, TP.TDM) điều khiển. Vụ tai nạn làm con bà chết sau khi được đưa vào bệnh viện. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do tài xế xe ô tô mở cửa xe không quan sát khiến con bà va vào cửa xe ngã ra đường gây tử vong.


Bà Ríp trình bày vụ việc về vụ tai nạn làm con bà tử vong

“Con trai tôi đột ngột ra đi, đó là một mất mát không có gì có thể bù đắp được. Nguyên nhân của vụ tai nạn đã được xác định là do tài xế ô tô mở cửa xe không quan sát, mặc dù qua quá trình điều tra cũng như những chứng cứ để lại tại hiện trường cho thấy con tôi trong lúc tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe nhưng đó chỉ là những hành vi vi phạm luật giao thông chứ không phải là nguyên nhân chính gây ra tai nạn làm con tôi chết. Vậy tài xế mở cửa xe không quan sát gây tai nạn làm con tôi chết có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này?”, bà Ríp đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, bà Ríp còn cho rằng, chiếc xe ô tô gây tai nạn là chứng cứ quan trọng của vụ án. Tuy nhiên, khi vụ việc còn đang trong quá trình điều tra và giữa gia đình bà và gia đình tài xế gây tai nạn chưa có thỏa thuận về mức bồi thường mà cơ quan CA đã cho bên gây tai nạn lấy xe ra để sửa chữa có đúng quy định của pháp luật hay không?

Vụ việc đang trong quá trình điều tra

Trả lời câu hỏi của P.V Báo Bình Dương trước những thắc mắc của bà Ríp, trung tá Vũ Hữu Dáng, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, cho biết vụ tai nạn giao thông giữa xe máy do con bà Ríp điều khiển với xe ô tô 4 chỗ làm cho con bà Ríp tử vong hiện đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luật cuối cùng. Theo ông Dáng, sau khi vụ tai nạn làm con bà Ríp chết, cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với những vụ tai nạn giao thông rất khó xác định lỗi vì có thể lỗi do một bên hoặc có thể do cả hai cùng có lỗi nên cần phải có thời gian để cơ quan điều tra thu thập thêm chứng cứ, từ đó có kết luận khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật.

“Nếu kết luận điều tra cho thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngược lại nếu không có dấu hiệu tội phạm sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can. Đương nhiên những quyết định này phải có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp”, ông Dáng nói.

Liên quan đến việc cơ quan CA cho bên gây tai nạn lấy xe ô tô để sửa chữa, ông Dáng cho rằng đây là việc làm phù hợp với quy định của pháp luật bởi theo Thông tư số 77 ngày 28-12-2012 của Bộ CA quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông thì đối với những vụ tai nạn giao thông sau khi hoàn tất các biện pháp nghiệp vụ theo trình tự thủ tục thì lực lượng chức năng phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu hợp pháp, nghiêm cấm trường hợp sử dụng phương tiện để ràng buộc trách nhiệm dân sự sau này.

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường dân sự, ông Dáng cho biết, đối với những vụ tai nạn giao thông, cơ quan CA sẽ mời hai bên đến trụ sở để thỏa thuận mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được thì một trong hai bên sẽ khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo thẩm quyền.

 LUẬT SƯ TRẦN NHƯ LỰC, ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM: Có dấu hiệu vi phạm Điều 202 Bộ luật Hình sự

Qua nghiên cứu vụ việc, luật sư Trần Như Lực, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng hành vi mở cửa xe không quan sát của tài xế xe ô tô làm con bà Ríp chết có dấu hiệu vi phạm theo quy định của điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.

Khoản 1, Điều 202 của BLHS quy định: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Đối chiếu với quy định này cho thấy, tài xế lái xe ô tô có dấu hiệu vi phạm Điều 202 BLHS vì chính việc mở cửa xe không quan sát là nguyên nhân trực tiếp làm con bà Ríp chết.

Có lẽ nhà chức trách còn đang “phân vân” bởi con bà Ríp cũng có lỗi khi tham gia giao thông (không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe). Tuy nhiên, cần phải xác định nguyên nhân chính gây ra cái chết con bà Ríp là hành vi mở cửa xe không quan sát của tài xế. Những hành vi vi phạm luật giao thông của con bà Ríp có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ cho tài xế xe ô tô.

 

 NHÓM P.V