Vụ MobiFone mua AVG: Bác bỏ việc cơ quan điều tra “bưng bít thông tin"
(BDO)
Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội nêu quan điểm tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chiều 23/12, trong phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của các luật sư.
Đại diện Viện Kiểm sát đã nhấn mạnh, kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát phản bác lại một số luận cứ của luật sư và cho rằng không có việc cơ quan điều tra “bưng bít thông tin."
Phân hóa vai trò để giảm nhẹ hình phạt
Đối với hành vi “Nhận hối lộ,” các bị cáo bị truy tố về tội này trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa nhiều ngày qua đều thừa nhận và khẳng định Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo về hành vi “Nhận hối lộ” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nhất trí với bản luận tội của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội về tội danh và phân hóa vai trò của từng bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, việc khắc phục hậu quả đối với tội “Nhận hối lộ” trong vụ án này là một sự thành công lớn của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và của chính các bị cáo cũng như sự đóng góp không nhỏ của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo: Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) và Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc thu hồi tài sản cho Nhà nước suốt giai đoạn điều tra, truy tố.
Xuất phát từ việc chủ động khai báo của các bị cáo và mong muốn sớm được nộp lại số tiền đã nhận của bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG), trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã thực hiện các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để số tiền nhận hối lộ của các bị cáo, khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Vì vậy, khi đề nghị hình phạt, đại diện Viện Kiểm sát đã phân hóa rõ vai trò, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả của từng bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn dưới khung hình phạt mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố. Việc phân hóa như vậy đều nhận được sự đồng thuận của chính các bị cáo và các vị luật sư bào chữa cho các bị cáo đó.
Thư của bị cáo Son gửi vợ là “tài liệu, chứng cứ của vụ án”
Đại diện Viện Kiểm sát nêu dẫn chứng, đối với hành vi “Nhận hối lộ” của bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), một luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý kiến cho rằng, quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã “bưng bít thông tin” không thông báo lá thư bị cáo Son viết gửi vợ mà lại đưa vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc khó khăn cho bị cáo Son trong việc khắc phục hậu quả.
Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, lá thư mà bị cáo Son viết gửi vợ là một tài liệu, chứng cứ của vụ án do vậy phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, lá thư này đã được đưa cho con gái của bị cáo Nguyễn Bắc Son là Nguyễn Thị Thu Huyền.
Cụ thể, ngày 14/3/2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son viết bản tự khai về hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ. Sau đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã viết thư gửi vợ là bà Lưu Thị Lý trong đó có nội dung: “Anh đã khai báo với Cơ quan điều tra Bộ Công an về việc sau khi hợp đồng mua bán trên đã hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền là 3 triệu USD… Số tiền này anh đã gửi Huyền mang vào Thành phố Hồ Chí Minh giữ cho anh. Anh không nói gì về nguồn gốc số tiền trên với Huyền và em, em thay anh báo cho Huyền sớm thu xếp trả lại cho Nhà nước.”
Đến ngày 20/3/2019 (sau đó 6 ngày), Cơ quan điều tra đã mời Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái bị cáo Son) ra làm việc tại Cơ quan điều tra để thông báo nội dung lá thư.
Tại Biên bản đối chất ngày 14/6/2019 giữa bị cáo Nguyễn Bắc Son và con gái Nguyễn Thị Thu Huyền (có sự tham gia giám sát của kiểm sát viên), Nguyễn Thị Thu Huyền có ý kiến: “ngày 20/3/2019, tôi có được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mời đến trụ sở để làm việc nội dung là bị cáo Nguyễn Bắc Son (bố tôi) có gửi một bức thư cho vợ là bà Lưu Thị Lý (mẹ tôi). Do mẹ tôi sức khỏe yếu nên cơ quan điều tra đã chuyển bức thư trên của bố tôi cho tôi đọc để chuyển tải nội dung cho mẹ tôi biết…”
Kết quả điều tra khẳng định, Cơ quan điều tra không mớm cung mà thực hiện việc hỏi cung theo đúng quy định của pháp luật. Điều đó được chứng minh trong các bản cung có sự tham gia của kiểm sát viên và luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Phạm Nhật Vũ thì bị cáo Phạm Nhật Vũ vẫn khai như những bản cung trước đây. Lời khai của bị cáo Phạm Nhật Vũ phù hợp với lời khai của các bị cáo nhận tiền gồm: Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn trong quá trình điều tra cũng như xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa.
Quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai không nhận tiền của Phạm Nhật Vũ. Sau đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã xin Hội đồng xét xử cho thay đổi lời khai tại phiên tòa và xin được giữ nguyên lời khai về nhận tiền hối lộ 3 triệu USD của Phạm Nhật Vũ trong giai đoạn điều tra và như cáo trạng đã truy tố đồng thời, bị cáo Son đề nghị luật sư không bào chữa cho bị cáo về tội danh “Nhận hối lộ.”
Công tố viên nhấn mạnh: “Điều đó một lần nữa khẳng định không có việc mớm cung trong quá trình hỏi cung như băn khoăn của một số lời bào chữa của luật sư”./.
Theo TTXVN