Vụ khiếu nại của ông Trần Quang Vang, P.An Thạnh, TX.Thuận An: Thu giữ điện thoại học sinh phải đúng luật
Trường hợp học sinh (HS) vi phạm nội quy của nhà trường khi sử dụng điện thoại di động trong giờ học sẽ bị lập biên bản tạm giữ rồi cho làm cam kết, sau đó trả lại điện thoại là điều hợp lý; song trường THPT Trần Văn Ơn, P. Thuận Giao, TX.Thuận An lại có nội quy: sẽ giữ điện thoại của HS vi phạm trong suốt năm học.
Với nội quy “cứng” này đã khiến cho gia đình có con em bị giữ điện thoại, nhất là những loại đắt giá bày tỏ sự bất bình; vì đây là quy định trái luật. Bày tỏ chính kiến của mình trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Bình Dương, ông Trần Quang Vang, ngụ phường An Thạnh, TX.Thuận An, cho biết: Ngày 24-10, con ông là T.B, HS lớp 10A6 của trường THPT Trần Văn Ơn, có đem theo ĐTDĐ hiệu iPhone 4 đi học và vô ý đem ra sử dụng trong giờ học nên đã bị nhà trường thu giữ.
Nhà trường lập biên bản, niêm phong thu giữ điện thoại iPhone của học sinh
Khoảng 2 ngày sau, mẹ của cháu B. trực tiếp đến trường để gặp giám thị trao đổi về việc B. sử dụng điện thoại sai nội quy và xin nhận lại điện thoại này nhưng không được giải quyết. Mãi đến ngày 4-11, vì quá bức xúc trước quy định của nhà trường nên ông Vang đã viết đơn xin nhận lại điện thoại và ông bà trực tiếp đến trường để xin nhận lại điện thoại một lần nữa nhưng vẫn bị Giám thị Đào Thị Vân khước từ; đồng thời cô Vân ghi rõ ý kiến vào đơn với nội dung: Thừa lệnh hiệu trưởng, tạm giữ điện thoại của em B. đến cuối năm trả lại.Trao đổi với P.V, ông Vang bày tỏ quan điểm: “Chiếc điện thoại iPhone 4 là tài sản có giá trị của gia đình tôi và việc con tôi mang theo để khi gặp phải sự cố bất ngờ thì tiện việc liên hệ với gia đình. Trong trường hợp cháu B. vi phạm nội quy của nhà trường là sử dụng điện thoại trong giờ học thì lập biên bản tạm giữ; sau đó nhà trường phải mời phụ huynh đến làm việc để có biện pháp răn đe, giáo dục nhằm hướng cho các em lưu ý sử dụng điện thoại đúng lúc, đúng chỗ. Nếu HS vi phạm lần đầu thì cảnh cáo, cho làm cam kết và nên trả lại điện thoại cho gia đình…”.
Theo tìm hiểu của P.V, thời gian qua đã có nhiều HS trường THPT Trần Văn Ơn bị giam giữ điện thoại, do vi phạm nội quy. Vẫn biết rằng, nội quy nhà trường đưa ra là muốn tốt cho HS và hướng các em tập trung việc học hành nhưng việc làm này nhiều khi không mang kết quả như mong đợi. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Ơn, cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã ban hành nội quy là cấm HS mang theo ĐTDĐ khi đi học và đã phổ biến cho tất cả HS, cùng các bậc phụ huynh biết rõ việc này; trường hợp HS vi phạm sẽ bị tạm giữ điện thoại đến cuối năm học mới trả lại. Qua vụ việc trên, tới đây nhà trường chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong việc tạm giữ điện thoại của các em HS, nhất là những loại điện thoại đắt tiền. Hiện nay, tôi cũng đã gửi giấy mời phụ huynh em T.B đến trường để giải quyết trả lại điện thoại; nếu gia đình bận việc không đến được theo giấy mời thì có thể gọi điện cho tôi để hẹn giờ gặp …”.
Liên quan đến việc nhà trường ban hành nội quy “cấm HS mang theo ĐTDĐ khi đi học”, luật sư Lê Việt Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Minh, cho biết: “Nội quy nhà trường chỉ được quy định về việc không cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học, hoặc quy định tất cả điện thoại phải được tắt nguồn trước giờ học, chứ không được đặt ra quy định là cấm HS mang điện thoại tới trường; vì như vậy là ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của công dân đã được luật pháp bảo hộ (Điều 58 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 172, 173 - Bộ luật Dân sự)…”.
Việc nhà trường lấy lý do em HS đã vi phạm nội quy của nhà trường, trong khi nội quy của nhà trường ban hành không đúng pháp luật để thu giữ điện thoại là sai. Trong trường hợp này, nhà trường nên thông báo cho phụ huynh, yêu cầu HS vi phạm viết cam kết và trả lại điện thoại cho gia đình thì mới đúng với quy định của pháp luật, luật sư Lê Việt Hùng chia sẻ thêm.
“Nội quy của nhà trường đưa ra cũng phải phù hợp và đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, một số trường học đã ban hành nội quy “cấm HS mang điện thoại tới trường”! Nội quy như vậy là không đúng vì như đã phân tích, chỉ cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, chứ không được phép cấm sở hữu điện thoại. Thông thường nhà trường có quy định về xử phạt việc HS vi phạm sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng phải căn cứ vào tần suất vi phạm, mức độ nghiêm trọng để xử lý và việc xử lý này phải căn cứ vào nội quy của nhà trường. Chẳng hạn:
-Vi phạm lần thứ nhất: Thu giữ điện thoại, yêu cầu HS vi phạm viết cam kết; sau đó trả lại điện thoại cho HS vào cuối ngày.
- Vi phạm lần thứ hai: Thu giữ điện thoại, buộc viết cam kết. Trả lại điện thoại cho HS vi phạm sau 1 tuần.
- Vi phạm lần thứ ba: Nhà trường giữ lại điện thoại, thông báo cho phụ huynh và trả lại điện thoại vào cuối học kỳ (thời gian khoảng 4, 5 tháng)”, luật sư Lê Việt Hùng, chia sẻ.
HOÀNG HÙNG