Vụ khiếu nại của ông Lê Văn Thông (Thị trấn Thái Hòa, Tân Uyên): Cần giải quyết vụ việc theo pháp luật

Thứ năm, ngày 19/09/2013

Từ chỗ bị chính quyền thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên “từ chối” xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đối với phần đất gần 2.000m2 tại khu phố An Thành (trước đây là ấp Vĩnh Phước, xã Thái Hòa) nay thì ông Lê Văn Thông đã được Ủy ban thị trấn thống nhất cùng ngành chức năng huyện xét cấp sổ đỏ cho phần đất này. Tuy nhiên, hiện ông Thông vẫn chưa đồng thuận lập thủ tục mới để đăng ký cấp sổ đỏ; vì cho rằng diện tích đất mà chính quyền thống nhất sẽ cấp sổ đỏ cho gia đình ông hiện vẫn thiếu so với diện tích đất mà gia đình ông đã quản lý và sử dụng trên thực tế từ hơn 20 năm qua (!?).

Cột mốc phần mương khi ngành chức năng tiến hành đo đạc cắm mốc hiện vẫn còn

Liên quan đến vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thái Hòa Nguyễn Văn Long, cho biết: khiếu nại của ông Thông đã được UBND thị trấn chuyển hồ sơ về huyện Tân Uyên giải quyết. Trong quá trình thẩm tra nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với phần diện tích 263m2 thuộc phạm vi mương mà ông Thông đăng ký bao trùm cùng với phần đất chưa có sổ đỏ (1.973,2m2 - P.V) thì UBND thị trấn Thái Hòa cũng đã có văn bản trả lời. Cụ thể, phần diện tích 263m2 này thuộc phạm vi mương là đất công, có nguồn gốc do Hợp tác xã Nông nghiệp 30-4 đào làm mương thủy lợi tưới tiêu từ năm 1987 nên không thể cấp sổ đỏ phần đất này cho ông Thông được.

Riêng việc chưa cấp sổ đỏ cho ông Thông đối với phần đất mà chính quyền đã đồng thuận xét cấp sổ thì Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Long, cho biết thêm: “Lúc đầu, ông Thông đăng ký xin cấp sổ đỏ hết phần đất 1.973,2m2 nhưng do vướng 263m2 thuộc phạm vi mương thoát nước nên địa phương không thể xét cấp sổ đỏ được. Nếu ông Thông đồng thuận trừ ra 263m2 đất thuộc phạm vi mương thoát nước trong phần diện tích chung là 1.973,2m2 thì ông lên huyện lấy hồ sơ đem về UBND thị trấn đăng ký lại để được xét cấp sổ đỏ; bởi trên thực tế, cho dù không được cấp sổ đỏ phần đất thuộc phạm vi mương thoát nước này nhưng gia đình ông Thông vẫn sử dụng chung mương nước này.

Khoản 1, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 nêu rõ: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận có một trong các loại giấy tờ sau thì được cấp GCN QSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất: những giấy tờ về QSDĐ trước ngày 15-10-1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp...; giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15-10-1993. (Căn cứ vào điều luật này cho thấy, ông Thông hội đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ).

Với lý giải của UBND thị trấn Thái Hòa như trên xem ra có phần hợp lý; song ông Lê Văn Thông thì cho rằng: ông vẫn chấp thuận trừ ra phần diện tích đất thuộc phạm vi mương thoát nước nhưng không phải là 263m2, mà chỉ có khoảng 100m2. Ông trình bày thêm: “Xét về mặt thực tế thì ngoài phần diện tích đất thuộc phạm vi mương thoát nước thì chính quyền địa phương còn đòi lấy thêm phần đất ngoài mương để làm “hành lang mương”! Đây là điều vô cùng bất hợp lý; bởi phần đất ngoài mương này có diện tích khoảng hơn 150m2 là phần đất mà gia đình tôi đã trực tiếp quản lý và sử dụng ổn định từ hơn 20 năm qua. Khi văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tân Uyên xuống đo đạc thực tế khu đất mà tôi nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ thì chính quyền địa phương cũng đã xuống tận nơi chỉ cụ thể ranh giới để cắm cột mốc mương thoát nước rất rõ ràng; vậy mà trong quá trình làm việc thì cách giải quyết lại khác…”!? Theo ghi nhận thực tế của P.V thì phần diện tích đất ngoài mương như ông Thông trình bày đúng là đã được gia đình ông trồng tre cùng một số cây trồng khác từ nhiều năm qua; và phần diện tích đất này nằm cách mương thoát nước khoảng vài mét.

Trong quá trình điều tra, xác minh vụ khiếu nại của ông Lê Văn Thông, Báo Bình Dương cũng đã phản ánh: năm 1990, ông Thông có mua của bà Lê Thị Nhỏ (đã mất), ngụ tại TX.Thuận An một khu đất tại ấp Vĩnh Phước, xã Thái Hòa, nay là khu phố An Thành, thị trấn Thái Hòa. Việc mua bán này đã được lập thành văn bản, có chính quyền địa phương xác nhận vào ngày 12- 3-1990. Sau khi mua, ông Thông trực tiếp quản lý, sử dụng đất này và đến năm 1997 đã được UBND huyện Tân Uyên cấp sổ đỏ. Song đến năm 2009, trong khi làm thủ tục tách thửa cho các con thừa kế thì ông Thông mới biết là phần diện tích đất được cấp sổ đỏ còn thiếu so với diện tích đất sử dụng thực tế. Thay vì cấp sổ với diện tích gần 5.000m2 thì chính quyền chỉ cấp cho ông Thông 2.885m2, thiếu hơn 2.000m2. Đây cũng là trường hợp sơ suất rất dễ xảy ra, bởi vào thời điểm ấy (1997) Nhà nước có chủ trương cấp sổ đại trà, việc sơ sót trên là điều có thể.

Căn cứ theo nội dung của giấy tờ chuyển nhượng thì khu đất mà ông Thông nhận chuyển nhượng từ bà Nhỏ có ghi tứ cận rất rõ ràng và đo đạc thực tế là gần 5.000m2. Nội dung đã thể hiện rõ trong giấy tờ chuyển nhượng, bà Nhỏ còn cho biết, do già yếu bà không tiếp tục canh tác được; đồng thời con cháu không nuôi dưỡng nên bà chuyển nhượng toàn bộ khu đất trên cho ông Lê Văn Thông với số tiền 450.000 đồng để lấy tiền tiêu xài…

Việc người sử dụng đất được cấp sổ đỏ còn thiếu diện tích so với đất sử dụng thực tế thì đi đăng ký xin cấp bổ sung là lẽ thường. Nhưng ở đây, sau khi ông Thông có đơn xin cấp sổ đỏ phần đất 2.081m2 còn lại thì cũng là lúc ông Võ Văn N., con của bà Lê Thị Nhỏ bắt đầu phát sinh tranh chấp phần đất này. Ông N. cho rằng: phần đất mà chính quyền chưa cấp sổ đỏ cho ông Thông là do “mẹ của ông không bán”(?!).

Sau một thời gian dài thụ lý giải quyết vụ việc, ngày 2-6-2011, Đảng ủy và UBND thị trấn Thái Hòa tổ chức vận động ông Lê Văn Thông “trả lại” cho ông Võ Văn N. phân nửa “diện tích đất đang tranh chấp”! (Khoảng 1.040m2 - P.V). Tất nhiên ông Thông không đồng ý với đề nghị này và kiên quyết cho rằng: khu đất này đã được ông mua hết và có quá trình sử dụng đất ổn định trên 20 năm… Sau một thời gian tổ chức hòa giải, vận động ông Lê Văn Thông thỏa thuận “trả lại” nửa phần diện tích đất tranh chấp cho ông N. không thành thì vào ngày 16-6-2011, UBND thị trấn Thái Hòa đã có báo cáo gửi UBND huyện Tân Uyên và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, với đề nghị: Xem xét thu hồi toàn bộ phần diện tích 2.081m2 (hiện nay qua đo đạc lại là 1.973,2m2 - P.V) đất đang tranh chấp để làm đất công ích…!? Riêng đối với ông Võ Văn N., sau một thời gian đứng ra “tranh chấp đất” với ông Thông bất thành; bởi không có chứng cứ chứng minh về quá trình quản lý, sử dụng đất nên ông N. cũng đã bỏ cuộc từ lâu.

TRUNG HẬU