Vụ khiếu nại của bà Lê Thị Hạnh, Xã Lai Uyên, huyện Bến Cát: Tống đạt, cấp bản án cần đúng quy định!

Thứ tư, ngày 06/11/2013

Trong khi đương sự không nhận được tống đạt bản án của tòa cấp sơ thẩm để thực hiện quyền kháng cáo đúng thời hạn quy định của pháp luật, nhưng sau đó lại nhận được quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện. Sự việc này đã khiến doanh nghiệp của bà Lê Thị Hạnh, ngụ xã Lai Uyên, huyện Bến Cát lâm vào cảnh bất an!  

 TAND tỉnh có công văn chuyển “đơn kêu cứu” của Công ty Đức Hạnh cùng hồ sơ liên quan cho TAND huyện Bến Cát.

Bà Lê Thị Hạnh là Giám đốc Công ty TNHH thương mại Đức Hạnh, trụ sở đặt tại ấp Xà Mách, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát. Trong quá trình kinh doanh, Công ty Đức Hạnh là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” (hạt tiêu đen xuất khẩu) với nguyên đơn là Công ty Goldman Holdings International, trụ sở đặt tại TP.HCM. Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bến Cát. Quá trình thụ lý hồ sơ, vào ngày 27-7-2012, TAND huyện Bến Cát đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này. Xét về mặt pháp lý thì trình tự, thủ tục đưa vụ án này ra xét xử là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên sau khi xét xử, thẩm phán tiến hành tố tụng của tòa đã không tống đạt bản án cho bị đơn là Công ty Đức Hạnh theo đúng quy định. Đến ngày 22-10-2012, Công ty Đức Hạnh nhận được quyết định thi hành án của Chi cục THADS huyện Bến Cát thì mới biết rằng vụ án đã được TAND huyện Bến Cát xét xử ngày 27-7-2012. Và rồi, khi Chi cục THADS huyện cung cấp bản sao Bản án số 12/2012/KDTM-ST thì Công ty Đức Hạnh mới biết nội dung phải thi hành án với khoản tiền hơn 14 tỷ đồng cho Công ty Goldman Holdings International và nộp trên 120 triệu đồng tiền án phí.

Trong một khía cạnh khác, qua tìm hiểu của chúng tôi, trước khi đưa vụ án này ra xét xử thì TAND huyện Bến Cát triệu tập hợp lệ người đại diện ủy quyền của bị đơn (Công ty Đức Hạnh) tham gia phiên tòa nhưng người đại diện ủy quyền của bên bị đơn vắng mặt không có lý do. Do đó, TAND huyện Bến Cát xét xử vắng mặt người đại diện bị đơn theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 199 của Bộ luật Dân sự năm 2004, được sửa đổi bổ sung năm 2011. Xung quanh vấn đề này, luật sư Lê Việt Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Minh, nhận định: “Đối với vụ án có đương sự vắng mặt phiên tòa mà tòa án đã triệu tập hợp lệ 2 lần thì tòa án vẫn xét xử vắng mặt đương sự đó. Tuy nhiên, trong bản án phải ghi rõ quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đương sự vắng mặt nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai (Khoản 5, Điều 238 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự trong vụ án (Khoản 2, Điều 241 Bộ luật Tố tụng Dân sự)”. Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của thẩm phán tống đạt, cấp bản án cho đương sự. Việc TAND huyện Bến Cát sau khi xét xử mà không cấp, tống đạt bản án cho đương sự là không đúng với quy định của pháp luật và đã làm mất quyền kháng cáo của đương sự.

Bày tỏ bức xúc của mình, bà Lê Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Đức Hạnh, cho biết: “Sau khi được Chi cục THADS huyện Bến Cát cung cấp bản sao bản án thì chúng tôi đã có đơn kháng cáo, kèm bản tường trình về lý do kháng cáo quá hạn gửi đến TAND huyện Bến Cát vào ngày 24-10-2012. Vụ việc này có biên bản giao nhận hẳn hoi, vậy mà mãi cho đến nay, Công ty Đức Hạnh vẫn chưa nhận được giải quyết của thẩm phán xét xử vụ án. Trong khi đó, Chi cục THADS huyện Bến Cát vẫn đang khẩn trương thi hành án, khiến cho doanh nghiệp của chúng tôi hết sức hoang mang và lo lắng. Quá đỗi bức xúc, công ty chúng tôi đã tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến Chánh án TAND huyện Bến Cát để yêu cầu làm rõ vụ việc này, nhằm sớm giải quyết cho việc kháng cáo quá hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay đã nhiều tháng trôi qua mà việc khiếu nại của doanh nghiệp chúng tôi vẫn chưa được giải quyết…”!.

Căn cứ theo tài liệu mà Công ty Đức Hạnh cung cấp, thì vào ngày 24- 10-2012, TAND huyện Bến Cát đã lập biên nhận nhận đơn kháng cáo và bản tường trình kháng cáo quá hạn của Công ty Đức Hạnh. Song mãi cho đến nay, TAND huyện Bến Cát vẫn chưa gửi đơn kháng cáo quá hạn lên cho TAND tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết quả là điều “bất thường”?! Về vấn đề này, luật sư Lê Việt Hùng chia sẻ thêm: “Trường hợp TAND huyện Bến Cát đã nhận đơn kháng cáo quá hạn nhưng không chuyển hồ sơ cho tòa án cấp phúc thẩm TAND tỉnh Bình Dương và đương sự đã có đơn khiếu nại về việc không chuyển hồ sơ mà Chánh án TAND huyện Bến Cát không trả lời là đã vi phạm Điều 392, 393, 396, 403 tại Chương XXXIII khiếu nại tố cáo trong tố tụng dân sự - Bộ luật Tố tụng Dân sự”.

 “Tòa án có nghĩa vụ cấp, tống đạt bản án cho đương sự (Điều 146, 147 BLTTDS) và phải được cấp, tống đạt bản án hợp lệ đúng phương thức và theo thứ tự (Điều 149 BLTTDS). Người thực hiện tống đạt bản án là thẩm phán tiến hành tố tụng trong vụ án (Điểm a, Khoản 1, Điều 148 BLTTDS). Trường hợp thẩm phán thực hiện việc cấp, tống đạt bản án mà không làm đúng trách nhiệm của mình thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 148 BLTTDS)”, luật sư Lê Việt Hùng.

HOÀNG HÙNG