Vũ khí sao chép đe dọa Nga

Thứ năm, ngày 20/05/2010

Người Nga đang lo ngại bị mất ưu thế trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí do nạn sao chép tràn lan và quy mô lớn trên thế giới hiện nay.

 

Ăn cắp công nghệ quân sự là một câu chuyện rất dài, và có lẽ đã bắt đầu từ thuở sơ khai của lịch sử loài người. Một ví dụ nổi tiếng về công nghệ vũ khí bị tuồn ra nước ngoài mà hầu như người Việt Nam nào cũng từng đọc hoặc nghe kể, đó là truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy thời An Dương Vương. Trọng Thủy đã lợi dụng tình cảm của Mỵ Châu để ăn cắp kỹ thuật chế nỏ thần mang về Trung Hoa.

 Máy bay J-11B của Trung Quốc bị cho là sản phẩm sao chép Su-27 (ảnh trên) của Nga Chuyện xưa tiếp diễn cho đến nay. Trong thời hiện đại, chuyện sao chép kiểu dáng, ăn cắp công nghệ vũ khí của nước ngoài cũng tràn lan. Thời Thế chiến 2, người Đức đã tìm cách chế tạo giàn phóng hỏa tiễn tương tự Katyusha của Liên Xô. Xe tăng Panther của quân đội Adolf Hitler cũng có nhiều chi tiết được cho là mô phỏng loại T-34 huyền thoại của Liên Xô.

 

Đến lượt mình, Liên Xô cũng mô phỏng sản phẩm nước ngoài. Theo sử liệu thì vào năm 1944, siêu pháo đài bay B-29 Mỹ đã có nhiều lần hạ cánh xuống vùng Viễn Đông và Liên Xô dựa vào đó đã nghiên cứu, chế tạo ra loại máy bay ném bom chiến lược T-4.

 

Câu chuyện sao chép, trong thời buổi hiện nay, trở nên rối rắm hơn nhiều. Quốc gia thực hiện sao chép không chỉ để sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội mà còn xuất khẩu, quay lại cạnh tranh với nước bị sao chép. Chính vì thế mà câu chuyện đang trở nên rất ồn ào, náo nhiệt, với hàng loạt cáo buộc từ Nga.

 

Trường hợp Su-27 và J-11

 

Su-27 là loại máy bay tiêm kích đã trở nên nổi tiếng trong suốt 30 năm qua, do hãng Sukhoi sản xuất. Sau khi bay thử vào năm 1977 và được biên chế vào quân đội Liên Xô đầu thập niên 1980, Su-27 đã được xuất khẩu sang nhiều nước. Chính quyền Moscow cũng đã cấp giấy phép cho một số quốc gia lắp ráp loại máy bay này, với linh kiện nhập trực tiếp từ Nga. Và vấn đề nảy sinh từ đó.

 

Đài truyền hình RT của Nga hồi tháng 4.2010 nói rằng loại máy bay J-11B của Trung Quốc là một “phiên bản” của Su-27. “Loại máy bay này của Trung Quốc đơn thuần là một mẫu thiết kế của Nga đi kèm với đồ điện tử nội địa. Đó là một sản phẩm ăn cắp”, RT dẫn lời chuyên gia Maksim Pyadushkin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga. Ông Vadim Kozyulin, Giám đốc Ban vũ khí quy ước của Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Nga, cảnh báo: “Sớm muộn gì thì các doanh nghiệp vũ khí Nga cũng sẽ bị đồng nghiệp Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt”.

 

Theo Đài RT, Trung Quốc đã mua giấy phép lắp ráp Su-27 từ năm 1995. Theo thỏa thuận lúc bấy giờ, nước này sẽ lắp ráp 200 chiếc tại các cơ sở trong nước, với linh kiện nhập từ Nga. Tuy nhiên, sau khi lắp xong 100 chiếc, phía Trung Quốc nói rằng loại máy bay Nga đã không còn đáp ứng được nhu cầu của họ nữa. Thế là hợp đồng lắp ráp chấm dứt.

 

Thay vào đó, Trung Quốc sản xuất một loại máy bay “made in China”, với ngoại hình không khác mấy so với Su-27. Đó là máy bay tiêm kích J-11, được sản xuất tại Công ty máy bay Thẩm Dương. J-11 bay thử vào năm 1998, và cũng ngay trong năm đó, nó được sản xuất đại trà để giao cho quân đội.

 

Trong một bài viết trên trang mạng của Đài RT hồi tháng 4, nhà phân tích Egor Sozaev-Guryev gọi trường hợp của J-11 là “ví dụ rõ nhất về tình trạng sao chép dựa trên giấy phép”. Sao chép dựa trên giấy phép (licensed copying) được định nghĩa là việc sản xuất một phiên bản mới dựa trên một giấy phép lắp ráp loại máy bay tương tự. Trong trường hợp này là Nga cấp giấy phép cho Trung Quốc lắp ráp Su-27. Sau đó, Trung Quốc sản xuất loại máy bay “nội địa” J-11 với nhiều chi tiết giống Su-27 một cách kinh ngạc.

 

Đến nước này thì người Nga chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”.

 

Những câu chuyện khác

 

Theo Đài RT thì Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về sao chép vũ khí, xuất phát từ thực tế rằng, phần lớn nền kinh tế nước này dựa trên nền tảng công nghệ nước ngoài. Trình độ công nghiệp quốc phòng khá tốt cho phép Trung Quốc sản xuất vũ khí sao chép với quy mô lớn, tốc độ nhanh, giá thành rẻ.

 

RT đã dẫn cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc hồi năm ngoái ra làm ví dụ. Trong cuộc duyệt binh này, giới lãnh đạo quốc gia đông dân nhất hành tinh muốn trình diễn toàn bộ vũ khí, khí tài và trang thiết bị quân sự sản xuất trong nước. Nhưng khi ngồi xem Trung Quốc duyệt binh, người Nga lại thấy có “bóng dáng của mình” trong đó.

 

RT viết: “Trên thực tế, rất nhiều mẫu được giới thiệu trong ngày hôm ấy rõ ràng là có nguồn gốc nước ngoài. Giàn tên lửa phòng không FT-2000 là phiên bản sao chép hoàn toàn sản phẩm S-300 của Nga. Trung Quốc chưa bao giờ mua giàn phóng hỏa tiễn Smerch của Nga, nhưng họ cũng trình diễn hệ thống PHL-03 trông rất giống”. Đài truyền hình RT còn cho rằng xe tăng Type 88, xe bọc thép ZBD-05… cũng có nhiều chi tiết giống vũ khí Nga. Bên cạnh đó, cũng theo RT, nhiều loại pháo phòng không, tên lửa hành trình của Trung Quốc cũng sử dụng một phần thiết kế của sản phẩm cùng loại từ Ý, Pháp, Nga và Ukraine. Từ những nhận định trên, RT đã gọi đó là “cuộc diễu binh sao chép” (the pirate parade).

 

Một trong những khả năng sao chép nữa cũng được RT đề cập, đó là kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất hành tinh tới nay chưa có tàu sân bay thực thụ. Cách đây vài năm, họ mua chiếc tàu sân bay cũ Varyag của Ukraine với điều kiện không được sử dụng vào mục đích quân sự. Gần đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ sớm cho ra mắt tàu sân bay và người ta nghi ngờ rằng đó sẽ là một phiên bản hiện đại của chiếc Varyag.

 

Bên cạnh Trung Quốc, vũ khí Nga cũng bị nhiều nước khác sao chép. Chẳng hạn các loại tên lửa Scud từng được CHDCND Triều Tiên phát triển thành những phiên bản hiện đại hơn. Công nghệ Scud rốt cuộc cũng đã “lan” tới Iran. Thậm chí mới đây, tướng Heshmatollah Kasiri còn tuyên bố Iran sắp trình làng một hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn S-300 của Nga, một thông điệp làm nhiều người nghĩ rằng công nghệ S-300 đã bị rò rỉ.

 

Tình trạng sản xuất phiên bản súng AK thì hiện nay dường như đã lan tràn khắp thế giới, vượt ngoài tầm kiểm soát và quan sát của người Nga.

 

Người Nga lên ruột

 

Trong chuyện sao chép vũ khí, kể cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, người Nga đã có nhiều bài học nhớ đời, bên cạnh các bài học liên quan đến Trung Quốc như đã nói ở trên. Theo RT, vào năm 1999, Nga đã cấp phép cho Jordan sản xuất loại xe bọc thép chở quân Nimr (“con cọp” trong tiếng Ả Rập), một phiên bản của loại GAZ-2330 TIGR của Nga. Giờ đây, một số nước như UAE, Libya đã chọn mua Nimr của Jordan chứ không chọn loại TIGR. Tương tự, Malaysia đã chọn mua xe tăng PT-91 của Ba Lan, chứ không mua T-72 “gin” của Nga. Như vậy là Nga, một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chịu tổn thất lớn về kinh tế.

 

Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới chi tổng cộng khoảng 1.500 tỉ USD mỗi năm cho quốc phòng, trong đó số tiền để mua sắm vũ khí chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Với thực tế là không có nhiều nước có khả năng tự sản xuất vũ khí, nên thị trường xuất khẩu loại mặt hàng này là vô cùng lớn. Từ nhiều năm qua, Mỹ luôn là nước xuất khẩu nhiều vũ khí nhất, tính theo doanh thu, tiếp đó là Nga. Theo số liệu thống kê thì giá trị vũ khí xuất khẩu của Nga năm 2007 đạt 4,6 tỉ USD, năm 2008 đạt kỷ lục 8,35 tỉ USD. Vào năm ngoái, chỉ riêng bán máy bay, Nga đã thu về 3 tỉ USD, trên tổng số 7,4 tỉ USD xuất khẩu vũ khí. Riêng năm nay, Chính phủ Nga đặt kế hoạch xuất khẩu vũ khí đạt 10 tỉ USD.

 

Chính vì sự béo bở của thị trường này mà sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong đó có không ít phần trăm là nhờ vào công nghệ Nga, đã khiến giới chức Moscow lo ngay ngáy. Trên Đài RT, một số chuyên gia cho rằng hiện tại, các loại vũ khí của Trung Quốc chưa thể theo kịp Nga về mặt công nghệ. Chẳng hạn, máy bay J-11B dù có nhiều tính năng và ngoại hình giống Su-27, nhưng còn lâu mới đạt được những công nghệ mới nhất của Nga. Đó là lý do khiến người Nga có thể tạm thời yên tâm. Tuy nhiên, về lâu về dài, Nga vẫn phải dè chừng. Theo RT, trong tương lai, Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa to lớn của Nga trên thị trường vũ khí. Đặc biệt, với sản phẩm rẻ nhưng chất lượng khá, Trung Quốc có thể sẽ chiếm lĩnh thị trường tại các nước nghèo, nơi mà vũ khí của Nga lâu nay đã bám rễ.

 

Trước mắt, Trung Quốc đã đạt được hợp đồng xuất khẩu máy bay J-11B sang Pakistan.

(THEO THANH NIÊN)