Vụ hóa chất đổ ra kênh Suối Chợ: Sẽ xử lý các công ty vi phạm

Thứ tư, ngày 15/04/2020

(BDO) Ngày 14-4, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết cơ quan chức năng đang tiếp tục lấy mẫu theo dõi, đánh giá chất lượng nước trên kênh Tân Vĩnh Hiệp, kênh thoát nước Suối Chợ (phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) để hoàn thiện hồ sơ xử lý hành vi vi phạm đối với Công ty Cổ phần Bột giặt Lix và Khu công nghiệp (KCN) Đại Đăng theo quy định khi để tràn hóa chất ra môi trường.


Dòng kênh Suối Chợ phủ đầy bọt trắng sau cơn mưa đầu mùa

Nhanh chóng lập đoàn kiểm tra

Trước đó, sau cơn mưa đầu mùa tối ngày 8-4, kênh thoát nước Suối Chợ có hiện tượng nổi bọt trắng xóa bất thường. Có nơi bọt trắng bám dày cao hơn 1m, kéo dài nhiều km. Hiện tượng bọt trắng bao phủ con kênh khiến người dân trong khu vực hoang mang, lo sợ bị ô nhiễm. Theo người dân, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy hiện tượng này trên bề mặt kênh.

Ngay sau khi nhận được phản ánh từ người dân cũng như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đội liên ngành kiểm tra đột xuất về TN-MT trên địa bàn tỉnh (thành phần gồm Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất một số nguồn thải có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước trong ngày 9-4 và có kết quả kiểm tra, khảo sát như sau: Về chất lượng nguồn nước trên kênh Suối Chợ (phường Tân Phước Khánh) là kênh thoát nước bắt nguồn từ kênh Tân Vĩnh Hiệp (kênh thoát nước thải và nước mưa của một số khu dân cư và KCN trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị) sau khi chảy qua phường Tân Phước Khánh đổ vào Suối Cái và chảy ra sông Đồng Nai. Vào thời điểm khảo sát từ 8 giờ đến 12 giờ ngày 9-4 của Sở TN-MT, trên kênh có sự chênh lệch độ cao dòng chảy từ KCN Đại Đăng đến cầu Tân Phước Khánh vẫn còn tình trạng bọt nổi trắng xóa. Kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy đoạn kênh qua KCN Đại Đăng có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 30,3mg/L, vượt quy chuẩn 75,7 lần; hàm lượng chất hữu cơ là 84mg/L, vượt quy chuẩn 2,8 lần. Đoạn kênh sau đập chắn hồ điều tiết có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 1,44mg/L, vượt quy chuẩn 3,6 lần; hàm lượng chất hữu cơ là 44mg/L, vượt quy chuẩn 1,4 lần. Đoạn kênh khu vực cầu Tân Phước Khánh có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 3,3mg/L, vượt quy chuẩn 8,23 lần; hàm lượng chất hữu cơ là 35mg/L, vượt quy chuẩn 1,1 lần.

Như vậy, đoạn kênh Suối Chợ (Tân Phước Khánh) bị ô nhiễm chất hoạt động bề mặt và chất hữu cơ đúng như phản ánh của người dân. Mức độ ô nhiễm cao nhất là đoạn KCN Đại Đăng và giảm dần về phía hạ nguồn.

“Thủ phạm” là công ty sản xuất bột giặt

Ngay sau khi xác định dòng kênh bị ô nhiễm, Đội liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom xử lý nước thải của KCN Đại Đăng và Công ty Cổ phần Bột giặt Lix hoạt động trong KCN Đại Đăng và có kết quả như sau: Công ty Cổ phần Bột giặt Lix hoạt động với ngành nghề sản xuất các sản phẩm tẩy rửa từ năm 2011 tại đường N2, KCN Đại Đăng với công suất thiết kế là 60.000 tấn sản phẩm/ năm. Công ty đã hoàn chỉnh các hồ sơ về môi trường và được Bộ TN-MT phê duyệt tại Quyết định số 707/QĐ-BTNMT ngày 19-4-2011. Công ty đã xây dựng các công trình xử lý chất thải và được Tổng cục Môi trường xác nhận hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Giấy xác nhận số 59/GXN-TCMT ngày 4-7-2016.

Tại thời điểm kiểm tra lúc 15 giờ ngày 9-4, công ty đang sản xuất nước rửa tay với công suất 150 tấn/ngày, lưu lượng nước thải của công ty khoảng 20m3/ngày và được thu gom xử lý qua công trình xử lý nước thải có công suất thiết kế 80m3/ ngày. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra trên đường (phía bên trái nhà xưởng sản xuất của công ty) có để nhiều thùng chứa nguyên liệu sản xuất, trong đó có nguyên liệu là chất hoạt động bề mặt LAS và một số thùng đang sử dụng nắp đậy không kín, đồng thời một số hố ga thoát nước mưa có chứa nước lẫn nguyên liệu sản xuất. Theo giải trình của công ty thì do việc tập trung sản xuất chất tẩy rửa và khử trùng nhằm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Để thuận tiện cho việc cấp nguyên liệu vào dây chuyền sản xuất, nên công ty có sơ sót để nguyên liệu ngoài trời không có mái che. Qua phân tích, đánh giá và dựa trên kết quả lấy mẫu phân tích, cho thấy việc công ty để một số nguyên liệu ngoài trời và gặp cơn mưa đột ngột vào tối ngày 8- 4, nên một số nguyên liệu trong các thùng chứa đã mở nắp bị nước mưa cuốn trôi vào cống thoát nước mưa và thải ra kênh Tân Vĩnh Hiệp rồi sau đó đổ ra kênh Suối Chợ (Tân Phước Khánh). Tổng lượng nước mưa cuốn theo nguyên liệu sản xuất của công ty khoảng 500m3/ngày với thành phần ô nhiễm chính là các hợp chất hữu cơ và các chất hoạt động bề mặt (hàm lượng COD là 9.125mg/L, vượt quy chuẩn 121 lần; hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 9mg/L. Đội liên ngành đã yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp khắc phục là chuyển toàn bộ nguyên liệu ngoài trời vào trong kho chứa, đồng thời thu gom toàn bộ nước trong các hố ga thoát nước mưa đưa về công trình xử lý nước thải để xử lý.

Đối với KCN Đại Đăng có diện tích 219 ha và đi vào hoạt động từ năm 2006, KCN đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Sở TN-MT phê duyệt tại Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 3-1-2007. KCN đã tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thu gom nước thải, xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất xử lý 2.000m3/ngày đêm và được Sở TN-MT xác nhận hoàn thành tại Giấy xác nhận số 1830/GXN-STNMT ngày 10-4-2019. Hiện nay, có 42 doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN với lưu lượng nước thải khoảng 1.800 đến 1.900m3/ ngày đêm. Qua hệ thống quan trắc nước thải tự động cho thấy lưu lượng nước thải của KCN là 1.914m3/ngày.

Tại thời điểm kiểm tra lúc 13 giờ ngày 9-4, cho thấy nước mưa tràn vào hệ thống thu gom nước thải số D1 (thu gom nước thải của 8 doanh nghiệp trong KCN), có một số hố ga bật nắp và có dấu hiệu nước thải tràn ra ngoài. Qua phân tích, đánh giá cho thấy nắp hố ga không đóng nên thời điểm gặp mưa vào tối ngày 8-4, nước mưa tràn vào hệ thống thu gom nước thải, thoát không kịp và tràn ra kênh Tân Vĩnh Hiệp. Đội liên ngành đã yêu cầu KCN Đại Đăng nâng cao các miệng hố ga thu gom nước thải để tránh tình trạng nước thải thoát không kịp tràn ra ngoài. Hiện KCN đang tiến hành xây dựng nâng cao miệng các hố ga trên các tuyến thu gom nước thải.

Từ kết quả khảo sát và kiểm tra như đã nêu, cho thấy nguyên nhân chính gây bọt trắng trên kênh Suối Chợ (Tân Phước Khánh) là do khoảng 500m3 nước mưa chảy tràn cuốn theo nguyên liệu sản xuất, trong đó có chất hoạt động bề mặt của Công ty Cổ phần Bột giặt Lix phát ra cống thoát nước mưa của KCN Đại Đăng và đổ vào kênh. Ngoài ra, việc KCN Đại Đăng để nước mưa chảy vào hệ thống thu gom nước thải rồi tràn ra ngoài cũng góp phần gây ô nhiễm.

Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: “Hiện nay Sở TN-MT đang tiếp tục lấy mẫu để xem có còn ô nhiễm kênh nữa hay không; mức độ ô nhiễm đã giảm hay còn có thành phần nào khác để có cơ sở xem xét, xử lý. Thứ hai là đối với các tồn dư trong đường thoát nước mưa còn lại đã tràn ra, tiếp tục cho thu gom về nhà máy xử lý nước thải KCN để xử lý cho triệt để. Thứ ba là xem xét hành vi vi phạm của công ty ở mức độ nào sở sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật, vi phạm ở mức độ nào thì xử lý nghiêm theo mức độ đó. Bên cạnh đó, sở đã cho kiểm tra nguồn thải xung quanh, đặc biệt là các KCN có thải ra các kênh dẫn nước và mương suối ở khu vực TX.Tân Uyên, tìm xem có nguồn thải nào khác nhằm xử lý triệt để”.

“Sở đã cho kiểm tra nguồn thải xung quanh, đặc biệt là các KCN có thải ra các kênh dẫn nước và mương suối ở khu vực TX.Tân Uyên, tìm xem có nguồn thải nào khác nhằm xử lý triệt để”.

(Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN-MT)

QUANG TÁM