Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Đăng quảng cáo lên mạng xã hội để hút con bạc
(BDO)
Toàn cảnh phiên xét xử chiều 14/11. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Chiều 14/11, Phiên tòa xét xử sơ thẩm 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo tham gia đánh bạc và các đại lý của đường dây đánh bạc.
Tại phiên xét hỏi, hai màn hình led có diện tích lên tới 15m2 được sử dụng để trình chiếu các chứng cứ, tài liệu... phục vụ cho hoạt động tố tụng, xét hỏi.
Đăng banner quảng cáo lên mạng xã hội để thu hút con bạc
Trong quá trình xét hỏi bị cáo Vũ Mạnh Hùng (sinh năm 1972, quận Long Biên, Hà Nội) làm đại lý cấp 1 cho hệ thống game bài Rikvip-Tib.Club, Viện Kiểm sát trình chiếu logo, banner quảng cáo trên trang Facebook của bị cáo Hùng liên quan đến quảng cáo hoạt động giao dịch Rik dùng để đánh bạc.
Luật sư mời bị cáo Hùng nhìn lên màn hình led đang trình chiếu banner có tên đại lý của bị cáo Hùng và đề nghị bị cáo cho biết "việc đưa tên ba nhà mạng viễn thông Vinaphone, Mobifone, Viettel lên banner quảng cáo có ý nghĩa gì?" Bị cáo nói rằng mình không biết. Đó là mẫu banner nhận từ hệ thống tổng, đồng thời hệ thống yêu cầu trên các trang Facebook khách hàng dùng theo mẫu trên.
Luật sư hỏi tiếp về ý nghĩa của câu "thanh toán nhanh chóng qua hệ thống Banking và ATM" trên banner là như nào? Bị cáo Hùng cho biết là thanh toán qua dịch vụ Internet Banking trên điện thoại di động, chuyển khoản qua ATM ngân hàng.
Sau đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị bị cáo Hùng trả lời lại một lần nữa về việc logo, banner là do hệ thống tổng làm hay do tự bị cáo làm. Bị cáo Hùng khẳng định lại là "do hệ thống tổng làm cho, sau đó bị cáo đăng lên trang Facebook."
Để lôi kéo con bạc và các đại lý cấp 2, Hùng treo banner quảng cáo và đăng trên trang Facebook cá nhân với nội dung “Mua bán tiền Game online, thẻ điện thoại uy tín số 1 Việt Nam - Đại lý cấp 1 RikVip - 23Zdo - Zon."
Banner quảng cáo có câu "Phục vụ uy tín, tận tâm. Liên tục tổ chức Event Giftcode." Viện Kiểm sát đề nghị bị cáo Hùng nhìn chứng cứ trên màn hình led và hỏi: "có bao giờ bị cáo chuyển tiền về mà hệ thống tổng không chuyển Rik về không?" Bị cáo Hùng trả lời "chưa bao giờ." Đại diện Viện Kiểm sát hỏi tiếp "Như vậy nghĩa là rất uy tín đúng không." Bị cáo Hùng: "Vâng đúng."
Theo cáo trạng, trong thời gian làm đại lý cấp 1, Hùng đã xây dựng được 101 đại lý cấp 2. Các tài liệu điều tra, xác định từ ngày 19/9/2015 đến 9/8/2017, Hùng có tổng giao dịch mua, bán Rik là hơn 1.520 tỷ rik; được hưởng lợi từ đổi thưởng VipPoint và đua tốp sự kiện, doanh thu hơn 964 triệu đồng.
Sau đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị bị cáo Hùng cho biết đã mua bán rik với hệ thống đại lý tổng nào. Bị cáo Hùng cho biết trước đó mình giao dịch với đại lý tổng Skyline, sau đó có giao dịch trên Worldbank69, 23Zdo, Zon.Club.
Trần Hồng Long (sinh năm 1983, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) làm đại lý cấp 1 cho hệ thống game bài Rikvip-Tub.Club từ ngày 17/9/2016. Khi Chủ tọa hỏi, đối với các đại lý cấp 2 của bị cáo, hàng tháng bị cáo có phải trả khoản tiền cho đại lý không, bị cáo Long trả lời: Bị cáo có. Bên cạnh đó, bị cáo không tính lãi với đại lý cấp 2 khi giao dịch rik. Tiền lãi trong giao dịch Rik là tiền do hệ thống tổng chi trả cho các đại lý, hình thức chi trả cũng bằng Rik.
Thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn
Trong vụ án này, các bị cáo thuộc nhóm đại lý cấp 2 đã có sự bàn bạc, thỏa thuận với đại lý cấp 1 lập các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu về các hình thức đánh bạc, mua bán tiền ảo... Qua đó, lôi kéo được số lượng rất lớn người chơi bạc và số lượng tiền tham gia đánh bạc, thu lời bất chính với số tiền đặc biệt lớn.
Đỗ Xuân Bách (sinh năm 1992, Gia Lâm, Hà Nội) bị truy tố về tội "Đánh bạc." Bị cáo Bách tham gia đánh bạc bằng game bài Rikvip/Tip.Club với số tiền hơn 123 triệu đồng. Ngày 8 và 9/8/2016, Đỗ Xuân Bách đã tham gia 295 phiên đánh bạc, trong đó có phiên đặt cược trên 62 triệu đồng.
Khi Chủ tọa hỏi vì sao bị cáo tham gia đánh bạc bằng game bài Rikvip/Tip, bị cáo Bách nói "mình chỉ chơi cho vui." Chủ tọa hỏi lại: "Chơi cho vui mà có phiên đánh đến 62 triệu đồng? Bị cáo thu nhập hàng tháng như nào, làm nghề gì? Bị cáo Bách cho biết mình bán hàng quần áo, thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu đồng. Ban đầu bị cáo chơi cho vui, sau đó do thua bạc muốn gỡ lại nên mới đặt cược lớn.
Một con bạc khác là Trần Mạnh Hiệp (sinh năm 1992, trú tại thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết bị cáo mua thẻ cào điện thoại, nạp vào hệ thống và được quy đổi ra Rik. Để chơi bạc, bị cáo truy cập bằng máy tính tại quán game và điện thoại di động của bị cáo.
Bị cáo mua trực tiếp từ đại lý cấp 1 với giá 84 đồng/1 rik, nếu thắng sẽ bán lại cho đại lý với giá 82 đồng/1 Rik. Để mua bán Rik, Trần Mạnh Hiệp cũng sử dụng tài khoản ngân hàng, nội dung chuyển khoản là “mua rik” kèm tên đăng nhập của bị cáo.
Trong ngày 8/8/2017, ngày cuối cùng trước khi hệ thống bị sập, bị cáo chơi 83 phiên theo hình thức Tài-Xỉu. Phiên bị cáo được hệ thống đặt lệnh nhiều nhất khoảng 35 triệu đồng sau khi bị cáo nạp Rik trị giá 23 triệu đồng. Tuy nhiên, tổng kết lại, bị cáo Hiệp cho biết vẫn là người thua sau quá trình tham gia chơi bạc. Khi được Hội đồng xét xử hỏi đã thua bao nhiêu, bị cáo khai không nhớ cụ thể số tiền mình đã thua.
Trong phiên tiếp theo, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo tham gia đánh bạc và các đại lý của đường dây đánh bạc./.
Theo TTXVN