Vụ chị Đặng Tuyết Mơ A bị đối tác làm ăn đánh gây thương tích: Bị hại kháng cáo bản án sơ thẩm
(BDO) Liên quan đến mâu thuẫn trong quan hệ buôn bán dẫn đến cãi vã và chỉ vì lời nói “khiếm nhã” của chị Đặng Tuyết Mơ A mà Nguyễn Huỳnh Lam Phương, một “đối tác” làm ăn của chị đã ra tay hành hung chị với thương tích 14%... Vụ việc đã được Báo Bình Dương vào cuộc xác minh, đăng phản ánh. Sau đó Công an TX.Thuận An điều tra làm rõ và đề nghị truy tố bị can Phương về tội cố ý gây thương tích…
Chị Mơ A viết đơn kháng cáo bản án sơ thẩm
Qua phản ánh của nạn nhân Đặng Tuyết Mơ A cho thấy: Ngày 25-7-2017, Bệnh viện Nhân dân 115 đã cấp giấy chứng nhận thương tích cho chị Mơ A với chẩn đoán: Xuất huyết nhân bèo trái/Chấn thương sọ não. Những thương tích này xuất phát từ việc chị Mơ A bị Nguyễn Huỳnh Lam Phương (SN 1979, HKTT TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đánh gây thương tích tại khu vực chợ Búng, thuộc KP.Thạnh Hòa A, phường An Thạnh vào sáng ngày 11-7-2017.
Nguyên nhân sâu xa của vụ án xuất phát từ việc giữa chị Mơ A và Phương có mối quan hệ làm ăn với nhau. Cụ thể, chị Mơ A cung cấp bánh mì và xe bánh mì cho Phương bán. Buôn bán được một thời gian thì Phương không lấy bánh mì của chị Mơ A nữa với lý do “chất lượng bánh mì không bảo đảm”. Chị Mơ A yêu cầu Phương phải trả lại những xe bánh mì đã đưa trước đó… Vụ việc dẫn đến mâu thuẫn và khi chị Mơ A có lời lẽ “khiếm nhã” thì Phương dùng tay đánh nhiều cái vào mặt chị Mơ A làm chị ngã xuống đường… Vụ việc sau đó được người dân can ngăn và kéo Phương ra…
Căn cứ theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 115/17/TgT ngày 3-11-2017 của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh kết luận dấu hiệu chính qua giám định là gãy xương chính mũi và gãy thành ngoài hốc mắt trái. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Đặng Tuyết Mơ A là 14% theo nguyên tắc cộng lùi…
Ngày 18-5-2018, Viện Kiểm sát Nhân dân TX.Thuận An đã có cáo trạng truy tố Nguyễn Huỳnh Lam Phương về Tội cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (tương ứng với khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015). Ngày 15-6-2018, Tòa án Nhân dân (TAND) TX.Thuận An đã có Bản án số 97/2018/HSST tuyên bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam Phương phạm tội Cố ý gây thương tích; xử phạt bị cáo Phương 10 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 1 năm 8 tháng tính từ ngày tuyên án (15-6-2018)…
Việc tòa sơ thẩm TAND TX.Thuận An áp dụng khoản 1, Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015) để tuyên bị cáo Nguyễn Huỳnh Lam Phương phạm tội Cố ý gây thương tích và xử phạt bị cáo Phương 10 tháng tù, cho hưởng án treo như trên khiến gia đình bị hại bức xúc. Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, luật sư Trần Thái Bình, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ quan điểm: “Theo hồ sơ vụ án thì bị cáo Phương tấn công trực diện vào vùng mặt của bị hại (là vùng dễ gây tổn thương nhất trên cơ thể) với cường độ mạnh, liên tục, bị hại hoàn toàn bất ngờ và không có khả năng tự vệ. Khi bị hại ngã xuống đất, bị cáo nằm đè lên bị hại và tiếp tục tấn công tiếp vào vùng mặt. Hành vi phạm tội của bị cáo chấm dứt không phải do ý thức chủ động dừng lại của bị cáo mà là do có người can ngăn nên bị cáo không thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện 115 TP.Hồ Chí Minh chẩn đoán bị hại bị “xuất huyết nhân bèo trái/chấn thương sọ não”, rất có thể sẽ để lại di chứng lâu dài về sau; chưa kể đến việc bị hại bị đánh “gãy xương chính mũi, gãy thành ngoài hốc mắt trái…”.
“Để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời nhằm ngăn ngừa những hành vi phạm tội tương tự trong nhân dân, thiết nghĩ khi tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án này, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh cần áp dụng khoản 2, Điều 104 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (nay là khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015) để tuyên xử đối với bị cáo Phương. Bỡi lẽ, hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe người khác, phạm tội vì những lý do nhỏ nhặt, sẵn sàng dùng vũ lực để khuất phục người khác được quy định tại Công văn số 38/NCPL ngày 6-1-1976 của TAND tối cao và kết luận của Chánh án TAND tối cao tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 1995. Trường hợp của bị cáo không được hưởng án treo theo khoản 2, Điều 2, Nghị quyết 01/2013 về tội phạm có tính chất côn đồ. Nay là Điều 3, Nghị quyết 02/2018/NQ_HĐTP quy định về những trường hợp không cho hưởng án treo…”, luật sư Bình chia sẻ thêm.
NHÓM P.V BĐ-PL