Vụ cháu bé 3 tuổi chết vì cúm A/H5N1: Cảnh báo dịch cúm có thể bùng phát trở lại
Cho đến hôm nay, câu chuyện cháu bé 3 tuổi Nguyễn Thị Kim Muội (tạm trú 5/8A, ấp Bình Đức 2, xã Bình Hòa, Thuận An) tử vong do bị cúm A/H5N1 vẫn còn là câu chuyện nóng bỏng tại khu vực ấp Bình Đức 2 và nhiều khu vực khác. Nhiều người sống gần khu vực bé Muội ở trọ vẫn chưa hết lo âu. Xét ở tầm vĩ mô hơn, câu chuyện bé Muội tử vong một lần nữa cảnh báo cho chúng ta biết: Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 có thể bùng phát trở lại...
Diễn biến về trường hợp tử vong
Lúc 2 giờ ngày 17-3, cháu bé 3 tuổi Nguyễn Thị Kim Muội đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vì cúm A/H5N1. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bé gái này khởi bệnh khi nào, có dấu hiệu gì? Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bé Muội khởi bệnh từ ngày 5-3 với các biểu hiện sốt cao, người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận An. Sau đó, đến khám tại Phòng khám Đa khoa Vũ Dương nhưng bệnh của bé không hề thuyên giảm. Đến ngày 10-3, bé Muội được đưa lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo bác sĩ Trần Thị Thúy, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, khi nhập viện, bé Muội có dấu hiệu sốt, xét nghiệm có tiểu cầu giảm, được chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết (SXH) và điều trị tại khu SXH. Sau khi thấy bệnh của bé Muội không hề thuyên giảm, các bác sĩ đã thử máu, chụp X.quang và kiểm tra phổi bé Muội. Kết quả cho thấy, bệnh nhi này bị viêm phổi, suy hô hấp chứ không phải SXH. Đến ngày 15-3, bệnh viện lấy mẫu ngoáy họng làm xét nghiệm PCR. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy, bệnh nhi này dương tính với cúm A/H5N1. Ngay sau đó, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện Nhiệt Đới cùng phối hợp để tiến hành xét nghiệm lại lần 2 cho bé nhưng đều cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1.
Bé Muội nhiễm cúm ở đâu?
Theo gia đình bé Muội, Tết Nguyên đán vừa qua, bé Muội có về quê tại ấp 4, Thanh Hòa, Phụng Hiệp, Hậu Giang. Đến ngày 20-2, bé Muội về lại Bình Dương và sống với cha mẹ ở địa chỉ nhà trọ nêu trên. Tại Hậu Giang, bé Muội không tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm bệnh, có ăn thịt gà do gia đình cúng tết. Gia đình không có ai bị bệnh tương tự. Điều đáng nói là bé Muội ở Bình Dương được 14 ngày (20-2 đến 5-3) thì phát bệnh. Như vậy, bé Muội phát bệnh ở đâu, Bình Dương hay Hậu Giang và những nơi khác?
Sau khi được báo về trường hợp này, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của sở cùng với địa phương giám sát xung quanh khu ở trọ của gia đình bé Muội. Tại khu vực xung quanh nơi ở của bé không có ai biểu hiện sốt như bé. Điều đáng nói là cơ quan chức năng đã phát hiện gần nơi ở trọ của bé có một hộ kinh doanh giết mổ gia cầm không qua kiểm dịch thú y. Tại hộ kinh doanh này có đàn gà 34 con và Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy tại chỗ. Sau đó, đã tiến hành lấy 16 mẫu huyết thanh gà làm xét nghiệm. Trước đó, tại một hộ khác ở khu vực này có 4 con gà bị bệnh chết và được giết thịt đem bán (không rõ nơi bán)?
Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế tỉnh Bình Dương) cho biết: Chiều 17-3, sở đã nhận được kết quả xét nghiệm 16 mẫu huyết thanh gia cầm từ Chi cục Thú y tỉnh. Kết quả cho âm tính 16/16 mẫu. Như vậy cho đến nay, ngành chức năng vẫn chưa tìm được dấu hiệu bé Muội bị nhiễm cúm A/H5N1 ở đâu, chỉ biết rằng bé đã chết vì cúm A/H5N1?
Phải nêu cao ý thức cảnh giác
Theo bác sĩ Thứ, sau khi hay tin bé Muội tử vong, Viện Pasteur TP.HCM đã phối hợp các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện Thuận An và xã Bình Hòa tiến hành phun hóa chất khử trùng lần 2 bằng Cloramin B 5% xung quanh nhà bệnh nhân, chuồng gà bán kính 400m. Những người có yếu tố dịch tễ nguy cơ cao gồm: Người nhà trực tiếp nuôi bệnh nhân, người trực tiếp giết mổ gia cầm, người sống gần nhà và có tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được cấp và cho uống Tamiflu dự phòng và được Trạm Y tế xã Bình Hòa theo dõi tình trạng sức khỏe, theo dõi nhiệt độ hàng ngày. “Hướng xử lý tiếp theo là Trung tâm Y tế huyện Thuận An chủ động, tiếp tục theo dõi 10 người có yếu tố dịch tễ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, tuyên truyền các biện pháp phòng chống cúm A/H5N1, tiến hành phun khử trùâng tiếp theo tại khu vực nhà bệnh nhân và các hộ giết mổ gia cầm theo quy định” - bác sĩ Thứ nói.
Trong những ngày vừa qua, chính quyền ấp Bình Đức 2 đã tích cực vận động bà con làm vệ sinh xung quanh nhà bệnh nhân và khu vực lân cận. Song song đó, lãnh đạo ấp Bình Đức 2 đã mở các cuộc họp dân khẩn cấp để phổ biến tình hình bệnh tại địa phương, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền các biện pháp phòng chống cúm A/H5N1 tại cộng đồng, như: Vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, gia cầm; khi có biểu hiện nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp phải đến khám tại các cơ sở y tế; phát hiện gia cầm chết và báo với chính quyền địa phương, không giết và ăn gia cầm bệnh...
Ngay sau khi bé Muội tử vong, Viện Pasteur TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cần phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tiến hành tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ và kịp thời phòng chống. Đồng thời, Viện Pasteur TP.HCM đã yêu cầu ngành y tế phối hợp với cơ quan thú y theo dõi, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
H.VĂN - Đ.LÊ
Tỷ lệ tử vong do vi-rút H5N1 rất cao
Đó là khẳng định của Viện Pasteur TP.HCM. Qua kiểm tra các ca nhiễm cúm A/H5N1 trước đây của Viện Pasteur TP.HCM đều ghi nhận phần lớn có tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh và nhập viện với tình trạng bệnh khá nặng. Theo Viện Pasteur TP.HCM, cúm A/H5N1 là một loại dịch bệnh rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao hơn 58%. Do vậy, Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Các bệnh nhân được điều trị cúm A/H5N1 hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, tại TP.HCM, các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn xét nghiệm loại vi-rút này là Bệnh viện Nhi đồng 1, 2; Bệnh viện Nhiệt đới, Viện Pasteur.
PGS - TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, nhìn nhận: “Dịch cúm A/H5N1 trên người có nguy cơ bùng phát trở lại do ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao. Ở một số địa phương vùng sâu vùng xa, vẫn còn tình trạng giết mổ và ăn thịt gia cầm bệnh. Qua điều tra dịch tễ, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh (khoảng 95%) có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm bị bệnh”. Tính từ đầu năm đến nay, có ít nhất 5 bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 được ghi nhận. Trong đó đã có 2 trường hợp tử vong. Riêng năm 2009, 5/5 trường hợp mắc cúm A/H5N1 đều tử vong.
Theo PGS - TS Nguyễn Huy Nga, kết quả phân tích của hơn 300 mẫu vi-rút cúm A/H5N1 trên gia cầm và người bệnh tại Việt Nam cho thấy: Có sự trao đổi và tích hợp giữa các vi-rút cúm A/H5N1 lưu hành tại Việt Nam. Từ năm 2001-2007, đã có 9 kiểu hình gene của loại vi-rút này lưu hành tại Việt Nam, trong đó 5 kiểu hình gene mới được phát hiện trong năm 2007 và có biểu hiện của sự trao đổi, tích hợp giữa các kháng nguyên của từng loại gene. Sự pha trộn tích hợp này được phát hiện ngay trên chính đàn gia cầm mắc bệnh tại Việt Nam, tạo ra dòng vi-rút mới chứ không phải là vi-rút ngoại lai. Do đó, chúng ta cần khuyến cáo mạnh về các biện pháp phòng chống.
SÔNG TRÀ