Vụ cấp phép đầu độc sông Thị Vải: Vẫn chưa xử lý trách nhiệm
Ngày 11-2, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh BR-VT thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó TT Hoàng Trung Hải về việc rút lại nội dung cho phép trong dự án dệt kim, cấp cho Cty Eclat Fabrics VN và kiểm điểm nghiêm túc tổ chức, cá nhân liên quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Hiểu sai chủ trương của Chính phủ?
Ngày 11-9-2006, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tạm thời không cấp phép cho những dự án thuộc năm loại hình (nhuộm, mủ cao su, thuộc da, chế biến tinh bột, sản xuất hóa chất cơ bản) trên lưu vực sông Thị Vải (bị ô nhiễm nặng).
Ngay sau đó, Sở Tài nguyên & Môi trường (TM-MT) BR-VT cũng đã tham mưu cho UBND BR-VT ban hành kế hoạch bảo vệ sông Thị Vải trong đó có đề cập đến việc tạm ngừng cấp phép những ngành nghề nhạy cảm với môi trường theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Thế nhưng, tháng 11-2007, Sở TN-MT BR-VT lại có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) cho Dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy dệt kim công suất 6.000 tấn/năm” có tỷ lệ nhuộm là 10% tại KCN Mỹ Xuân A2.
Nhà máy dệt kim Eclat Fabrics Việt Nam xây xong nhưng phải “đắp chiếu”
Cũng trong tháng 11-2007, Ban Quản lý các khu công nghiệp BR-VT cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam.
Tháng 10-2008, Thanh tra Bộ TN-MT phát hiện việc làm trái chủ trương của Chính phủ nên đề nghị UBND tỉnh BR-VT kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan. Giải trình về vấn đề này, Sở TN-MT BR-VT cho rằng đã hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Sau những sai phạm của Sở TN-MT BR-VT liên quan đến dự án nói trên, ngày 19-3-2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ TN-MT kiểm tra và báo cáo về vụ việc và đoàn công tác của Bộ TN-MT lại phát hiện dự án đầu độc sông Thị Vải này có hai quyết định phê duyệt báo cáo TĐMT cùng ký trong tháng 11-2007.
Quyết định số 934/QĐ-STNMT do ông Đặng Như Hiển, Giám đốc Sở (nay đã nghỉ hưu) ký ngày 20-11-2007 có bản gốc còn lưu giữ sau khi phát hành, còn Quyết định số 307/QĐ-STNMT do ông Nguyễn Boa, Phó Giám đốc (hiện đã chuyển công tác) ký vào ngày chủ nhật (4-11-2007) không còn bản gốc.
Văn bản ông Nguyễn Boa ký có ghi rõ “Chủ dự án chỉ được phép nhuộm không quá 10% tổng sản phẩm dệt của dự án” còn quyết định của ông Đặng Như Hiển không thể hiện sự khống chế công đoạn nhuộm.
Ngoài ra văn bản do ông Đặng Như Hiển ký cũng “quên” luôn việc khống chế lưu lượng nước thải của dự án. Như vậy, chủ đầu tư có thể “tống” ra sông Thị Vải bất cứ khối lượng nước thải nào cũng được mà không cần xin phép cơ quan chức năng?
Không ai chịu trách nhiệm?
Nhà máy dệt kim có nhuộm Eclat Fabrics trong KCN Mỹ Xuân A2, Tân Thành BR-VT tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, công suất 6.000 tấn có 10% sản phẩm nhuộm (600 tấn sản phẩm dệt kim nhuộm/năm).
Ngày 10-7-2009, Văn phòng Chính phủ đã thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND BR-VT kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân liên quan việc cấp giấy chứng nhận đầu tư có 10% sản phẩm nhuộm của Dự án dệt kim trong KCN Mỹ Xuân A2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, rút lại nội dung cho phép 10% sản phẩm nhuộm đã cấp cho Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam và xác minh, làm rõ việc giả mạo giấy tờ của cơ quan Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, BR-VT lại “quên” chỉ đạo này của Chính phủ và chưa có bất cứ cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trong dự án này.
Không những vậy, BQL các KCN BR-VT ba lần gửi văn bản tới UBND BR-VT, Bộ TN-MT và các cơ quan chức năng rằng dự án đã có quyết định phê duyệt đánh giá TĐMT và để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư và tránh việc bị nhà đầu tư yêu cầu bồi thường, đã kiến nghị cho dự án dệt kim của Eclat Fabrics Việt Nam giữ nguyên giấy phép đầu tư.
Bao giờ thì chỉ đạo của Chính phủ được thực hiện, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc sông Thị Vải là điều mà dư luận BR-VT quan tâm.
(Theo Tin Tức Online)