Vụ bất đồng trong thu, nộp lệ phí chợ Lai Uyên (xã Lai uyên,huyện Bàu Bàng): Vụ việc đã được hòa giải thành

Thứ hai, ngày 27/07/2015

Cho rằng chính quyền địa phương có sự “o ép” trong việc yêu cầu thu nộp tiền lệ phí hoa chi chợ Lai Uyên với mức giá quá cao so với thực tế, ông Viên Thế Kiệt (Trưởng Ban quản lý chợ) cùng con trai là V.T.P. đã viết đơn gửi nhiều nơi để “kêu cứu”. Vụ việc này đã bộc lộ nhiều bất thường trong thu chi tài chính chợ Lai Uyên, song hiện vụ việc đã được hòa giải thành!


Chợ Lai Uyên, nơi có bất đồng trong việc thu nộp lệ phí

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Trần Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Lai Uyên cho biết, hiện vụ việc đã được hòa giải thành. “Qua làm việc với nhau thì cái này do ngộ nhận, hiểu lầm nhau thôi. Sau đó, phía lãnh đạo UBND xã cũng đã giải thích cho ông Kiệt thì ông đã rút lại đơn rồi. Công việc của ông Kiệt cũng đã trở lại trạng thái bình thường và ông cũng đã đi làm lại rồi…”, ông Hưng cho biết.

Trước đó, trong đơn “kêu cứu”, kèm các tài liệu liên quan gửi báo Bình Dương, anh V.T.P., con trai của ông Viên Thế Kiệt cho biết, ông Kiệt làm Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Lai Uyên từ năm 2006 cho đến nay. Trong thời gian ông Kiệt làm thì luôn hoàn thành công việc mà cấp trên đã giao. Từ năm 2006, UBND xã Lai Uyên đã giao cho ông Kiệt thu tiền hoa chi ở chợ Lai Uyên để nộp ngân sách Nhà nước. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2006 đến tháng 6-2014 xã quy định cho ông Kiệt mỗi tháng phải nộp 2,6 triệu đồng. Đến tháng 7-2014, UBND xã có triệu tập cuộc họp về nâng mức thu tiền ở chợ và yêu cầu mỗi tháng ông Kiệt phải nộp về ngân sách là 5 triệu đồng…

Bày tỏ chính kiến của mình về việc chính quyền địa phương yêu cầu phải tăng mức thu nộp tiền lệ phí chợ như trên, anh V.T.P. cho rằng, do UBND xã không có thông báo cụ thể bằng văn bản nên ông Kiệt (cha anh P.) vẫn thu nộp về tài chính xã 2,6 triệu đồng/tháng theo như mức cũ và tài chính xã cũng không có ý kiến gì. Tuy nhiên, đến ngày 15-4-2015, phía UBND xã Lai Uyên mời ông Kiệt họp và yêu cầu phải nộp lệ phí mới là 5 triệu đồng/tháng; tức phải nộp khoảng lệ phí chênh lệch là 2,4 triệu đồng/tháng (tính từ tháng 8-2014 đến tháng 3-2015) với tổng số tiền là 19.200.000 đồng.

Do bức xúc trước việc yêu cầu phải nộp số tiền chênh lệch, cùng một số vấn đề khác nên sau đó ông Viên Thế Kiệt đã tạm nghỉ việc và cùng con trai gửi đơn nhiều nơi để phản ánh vụ việc và xin cứu xét.

NHÓM P.V