Vụ án ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát: Chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố 7 bị can

Thứ năm, ngày 28/03/2019

(BDO) Qua quá trình thu thập hồ sơ, chứng cứ, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát cùng các đồng phạm liên quan 3 tội danh, gồm: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Riêng tội danh Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đối với bị can Khanh khi có kết luận định giá sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau.


Khu đất liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Hồng Khanh và các đồng phạm

Truy tố hàng loạt tội danh đối với các bị can

Ngày 27-3, trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh, cho biết cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố 7 bị can trong vụ án liên quan tới ông Nguyễn Hồng Khanh, 52 tuổi, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát.

Theo kết luận điều tra, năm 1997, bà Hồ Thị Hiệp (SN 1945) và con gái là Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, cùng ngụ TP.Hồ Chí Minh) có nhận chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) của nhiều hộ dân ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát) với tổng diện tích 235.078m2. Năm 2000, bà Hiệp và con gái thành lập Công ty TNHH SXTM An Tây (Công ty An Tây) tại địa chỉ nêu trên. Đến năm 2008, bà Hiệp tiếp tục thành lập Công ty TNHH Sản xuất chế biến Gỗ Mỹ Hiệp tại phường 11, quận 10, TP.Hồ Chí Minh.

Để xây dựng công trình, năm 2002 bà Hiệp và con gái đã làm thủ tục chuyển 4 ha đất nông nghiệp, trong đó 2 ha của bà Hiệp đứng tên để Nhà nước thu hồi đất và nhận dưới hình thức Nhà nước cho thuê đất (thu tiền sử dụng đất hàng năm) để sản xuất, kinh doanh. Năm 2005, Công ty An Tây được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng công nghiệp và chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất một lần.

Từ năm 2005 đến năm 2008, bà Hồ Thị Hiệp điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp. Để phục vụ sản xuất, kinh doanh, bà Hiệp vay vốn tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn qua 6 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền hơn 72 tỷ đồng.

Năm 2008, do Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp không có khả năng trả nợ nên bị đưa vào danh sách nợ xấu. Ngày 14-11-2008, bà Hồ Thị Hiệp xin rút lại tài sản thế chấp là 20.000m2 QSDĐ xây dựng công trình công nghiệp để thế chấp vay số tiền 30 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thủ Đức. Tháng 11-2011, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn đã sử dụng quỹ trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp với tổng số tiền hơn 96,8 tỷ đồng. Do không thể thanh toán, ngày 27-12-2012 Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tổng số dư nợ của Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp thời điểm xử lý tài sản thế chấp là hơn 108 tỷ đồng.

Quá trình phạm tội của các bị can

Quá trình xử lý nợ tại hai công ty nêu trên được Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, ngụ TP.Hồ Chí Minh), Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo, quyết định. Trình tự, thủ tục hồ sơ liên quan việc xử lý tài sản thế chấp được giao cho Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, ngụ TP.Hồ Chí Minh) là Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 trực tiếp thực hiện.

Việc xử lý kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015, trong đó cơ quan điều tra xác định Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, ngụ TX.Bến Cát), nguyên là Chủ tịch UBND TX Bến Cát và Bí thư Thị ủy Bến Cát đã 5 lần thực hiện chuyển nhượng QSDĐ với tổng diện tích 166.442,2m2 (hồ sơ do vợ Khanh đứng tên) và 1 hồ sơ do em ruột Khanh đứng tên chuyển nhượng QSDĐ diện tích 15.463m2. Phần đất này sau đó được Nguyễn Hồng Khanh mua lại, nâng tổng diện tích đất mà Khanh đã mua của bà Hiệp là 181.905,2m2, trong đó có 20.000m2 đất xây dựng công trình công nghiệp.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh cho biết ngày 12-3-2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với tội danh Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Khi có kết luận định giá sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau.

Cơ quan điều tra xác định việc chuyển nhượng phần đất đang là tài sản thế chấp tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn là vi phạm các quy định về nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm tại Điều 58, Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, ngày 14-12-2012, bà Hồ Thị Hiệp có văn bản gửi Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn xin bán tài sản thế chấp là QSDĐ có diện tích 40.443m2 và một phần diện tích 12.757m2 để trả nợ ngân hàng. Trong nội dung văn bản đề nghị, bà Hiệp nêu rõ người mua là ông Nguyễn Hồng Khanh, giá bán 53.200m2 là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên khi nhận được văn bản đề nghị, phía Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn không ban hành văn bản thỏa thuận với bà Hiệp về giá thấp nhất của tài sản, thời gian bán… theo quy định về xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng BIDV. Dù không có văn bản thỏa thuận với bà Hiệp, nhưng ông Nguyễn Huy Hùng vẫn đồng ý chỉ đạo Nguyễn Quang Lộc chấp thuận cho bà Hiệp bán tài sản cho Nguyễn Hồng Khanh thay vì phải đưa ra bán đấu giá theo quy định.

Theo kết luận định giá ngày 14-9-2018 của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự xác định toàn bộ diện tích 53.200m2 tại thời điểm chuyển nhượng năm 2012 có trị giá hơn 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị mua bán được các bên thỏa thuận chỉ hơn 3,37 tỷ đồng. Trong đó ngân hàng thu nợ số tiền 2 tỷ đồng và bà Hiệp hưởng số tiền 1,371 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 6,6 tỷ đồng. Tiếp sau đó, năm 2013 cùng với cách “xử lý” trước đó, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc tiếp tục cho bà Hiệp giữ lại số tiền bán phần đất tài sản thế chấp dự định bán là 50.000m2 để trả nợ cho ngân hàng. Bà Hiệp tiếp tục có văn bản đề nghị và tiếp tục nêu rõ người mua là Nguyễn Hồng Khanh để trả nợ cho ngân hàng là 1,625 tỷ đồng. Lần này Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn tiếp tục không có văn bản thỏa thuận với bà Hiệp về giá thấp nhất của tài sản. Sau đó Nguyễn Quang Lộc có báo cáo thẩm định giá trị tài sản đối với phần đất nêu trên là 345.277.000 đồng/1ha. Dù các bên chưa ký hợp đồng, nhưng sau khi thỏa thuận thống nhất, ông Nguyễn Hồng Khanh đã giao số tiền mặt 1,1 tỷ đồng cho bà Hiệp để chuyển nhượng QSDĐ 41.000m2.

Cơ quan điều tra cũng kết luận, riêng đối với diện tích 15.463m2 còn lại, việc ông Nguyễn Hồng Khanh khi thỏa thuận làm hồ sơ hợp thức hóa sang tên đăng ký QSDĐ cho vợ để tiếp tục chuyển lại cho bà Hiệp đứng tên thể hiện ông Khanh biết rõ phần đất này còn đang thế chấp tại ngân hàng và Công ty An Tây còn nợ ngân hàng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Khanh đã giúp sức cho Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc khi chi trả một phần tiền mặt từ tiền mua tài sản thế chấp thay vì phải thanh toán toàn bộ để ngân hàng thu hồi nợ. Đồng thời Nguyễn Hồng Khanh còn ký hợp đồng 3 bên hợp thức hóa hồ sơ xử lý tài sản của ngân hàng. Kết luận điều tra thể hiện hành vi của Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc với sự giúp sức của Nguyễn Hồng Khanh đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. (Còn Tiếp)

...Việc xử lý kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015, trong đó cơ quan điều tra xác định Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, ngụ TX.Bến Cát), nguyên là Chủ tịch UBND TX Bến Cát và Bí thư Thị ủy Bến Cát đã 5 lần thực hiện chuyển nhượng QSDĐ với tổng diện tích 166.442,2m2 (hồ sơ do vợ Khanh đứng tên) và 1 hồ sơ do em ruột Khanh đứng tên chuyển nhượng QSDĐ diện tích 15.463m2. Phần đất này sau đó được Nguyễn Hồng Khanh mua lại, nâng tổng diện tích đất mà Khanh đã mua của bà Hiệp là 181.905,2m2, trong đó có 20.000m2 đất xây dựng công trình công nghiệp...

 

NHÓM PV