Vòng loại bảng I, Giải U23 Châu Á 2018: Chờ cơn địa chấn thứ 2!
(BDO) Vào lúc 19 giờ tối mai (23-7), đội U22 Việt Nam sẽ tiếp U22 Hàn Quốc trên sân Thống Nhất (TP.HCM) trong trận đấu có ý nghĩa quyết định đến ngôi đầu bảng và chiếc vé vào thẳng vòng chung kết giải vô địch U23 châu Á năm 2018. Người hâm mộ đang mong chờ cơn địa chấn sẽ xảy ra khi U22 Việt Nam vượt qua được Hàn Quốc trong trận chung kết bảng.
Lịch thi đấu đã vô tình mà lại khéo sắp đặt khi đưa 2 đội mạnh nhất bảng I là U22 Việt Nam và U22 Hàn Quốc đối đầu nhau trong trận đấu cuối cùng của vòng loại bảng I, để phân định chiếc vé chính thức của bảng đấu này vào chơi vòng chung kết tại Trung Quốc vào đầu năm sau. Chỉ cần thắng Hàn Quốc, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ nghiễm nhiên đoạt ngôi đầu bảng và chiếc vé vào thẳng VCK. Trường hợp không thể làm nên điều tuyệt vời đó thì một trận hòa cũng là kết quả quá tuyệt vời cho cả 2 đội.
Chờ cơn địa chấn thứ 2 của bóng đá Việt Nam trước Hàn Quốc?
Nếu như không thể có điểm trước đội bóng mạnh nhất bảng I, thì U22 Việt Nam cần phải hạn chế thấp nhất số bàn thua của mình. Theo điều lệ giải, yếu tố quyết định trong việc xác định đội giành quyền vào chung kết, trong trường hợp có từ 2 đội trở lên bằng điểm nhau (chỉ áp dụng với các bảng có 4 đội) là hiệu số bàn thắng bại. Do đó, để có thể giành 1 trong 5 chiếc vé vớt dành cho 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất trong 10 bảng đấu thì U22 Việt Nam phải ghi được càng nhiều bàn thắng càng tốt, đồng thời hạn chế tối đa bàn lọt lưới.
Đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi qua những gì đã thể hiện thì U22 Hàn Quốc cho thấy họ không hổ danh là đội đương kim á quân (chỉ để thua đội Nhật Bản trong trận chung kết 2-3 sau khi đã dẫn trước 2-0) của giải U23 châu Á. Khả năng chơi bóng bổng, với những lần băng cắt dứt điểm bằng đầu cực tốt của các chân sút Hàn Quốc, mà đặc biệt là tiền đạo mang áo số 10 Cho Young Wook là rất khó để những hàng phòng ngự các đối thủ tại bảng I đủ sức ngăn cản. Ngoài ra, U22 Hàn Quốc còn rất mạnh trong khả năng tấn công trực diện trung lộ với những pha di chuyển không bóng rất hay, chuyền bóng ăn ý, tạo đột biến cao và người dứt điểm cuối cùng thì làm quá tốt vai trò của mình.
Để hạn chế số bàn thua trước U22 Hàn Quốc, U22 Việt Nam không thể áp dụng cách thức mà U22 Macau Trung Quốc đã thực hiện là giăng 3 lớp phòng thủ, như đặt chiếc xe buýt trước khung thành đội nhà. Bởi, sai lầm của U22 Macau là đã nhường quyền kiểm soát bóng ở trung tuyến cho đối thủ, hỏa lực phản công của Macau (cả trận chỉ có 1 cú dứt điểm) là không đủ sức để gây khó dễ cho con cọp châu Á. Vì thế, áp lực tấn công của đội bóng xứ Kim chi lên đối thủ là càng lúc càng mạnh và sai sót trong phòng ngự đối phương và bàn thua là sớm hay muộn cũng sẽ xảy đến. Do đó, U22 Việt Nam muốn thắng hay hòa và thực tế hơn là hạn chế thấp nhất số bàn thua trước Hàn Quốc là bằng mọi cách phải tranh chấp quyết liệt khu trung tuyến, cố gắng giành quyền kiểm soát bóng lâu nhất có thể. Tiếp theo, dù vẫn chơi phòng ngự chủ động, nhưng số người tham gia phản công của U22 Việt Nam khi có bóng thuận lợi là phải đủ quân số để gây áp lực lên hàng thủ U22 Hàn Quốc. Trên hết, các chân sút Công Phượng, Quang Hải, Đức Chinh cần mạnh dạn đột phá sút xa và tận dụng hiệu quả cơ hội ghi bàn có được để chuyển thành bàn thắng. Trong quá khứ, vào năm 2003, ở vòng loại Asian Cup 2004, U23 Việt Nam đã từng thắng 1-0 gây chấn động châu lục khi đánh bại U23 Hàn Quốc tại Muscat (Oman) nhờ pha ghi bàn của Phạm Văn Quyến sau pha phản công sở trường. Giờ đây, các đàn em của Văn Quyến có trình độ đồng đều và kinh nghiệm trận mạc nhiều hơn, tâm lý tự tin hơn nên hoàn toàn có thể làm nên cơn địa chấn thứ 2 trước U23 Hàn Quốc!
CHÍ THANH