Vốn tín dụng sẽ “bơm mạnh” vào sản xuất, kinh doanh

2024-01-03 09:26:00

Mặc dù đã chạm đáy vào tháng 12-2023, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động. Điều này cho thấy dòng vốn đang được “nắn” để đi vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Lãi suất huy động thấp kỷ lục

Từ đầu tháng 12-2023 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) thông báo giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Kỳ hạn 6 tháng giảm xuống còn 4,35%/năm (giảm 0,2%/năm), 3 tháng còn 3,35%/ năm (giảm 0,2%/năm). BIDV thông báo tiếp tục giảm 0,1%/ năm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1-11 tháng, kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,6%/năm, 3-5 tháng còn 3%/năm, 6-11 tháng còn 4%/năm. Trước đó, BIDV cũng đã 2 lần giảm lãi suất huy động.

Tương tự, bắt đầu tháng 12- 2023 đến nay, Vietcombank đã 3 lần giảm lãi suất tiết kiệm. Hay kỳ hạn 12 tháng Vietinbank, VPbank cùng niêm yết mức 5,3%/năm. Ở các kỳ hạn huy động tiết kiệm ngắn ngày, lãi suất đã xuống thấp nhất từ trước đến nay và cách xa trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ 2,5%/năm, Vietinbank với 2,6%/năm. VPbank niêm yết lãi suất theo số tiền gửi ở kỳ hạn này thấp nhất là 3,7%/năm (số tiền gửi dưới 1 tỷ đồng).

Các ngân hàng đang có giải pháp cụ thể để kéo giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại HDbank - Chi nhánh Bình Dương

Theo thống kê, kể từ đầu tháng 12-2023 đến nay đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất huy động, như HDbank, Techcombank, Eximbank, KienLongbank, SCB, PGbank, MB, MSB, NamAbank, ABbank, Vietcombank, BIDV, VIB, VPbank, TPbank, Saigonbank, Vietbank, ACB, Vietinbank, Agribank, LPbank, SeAbank… Việc liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm cho thấy, trong bối cảnh cung thừa tiền - cầu tín dụng giảm, các ngân hàng đang hút dòng vốn rẻ nhằm đẩy nhanh việc đáp ứng nhu cầu cho vay sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả, hỗ trợ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh

Trong những ngày cuối năm 2023, tốc độ đua giảm lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại. Động thái này là điều hiếm thấy, bởi lệ thường các ngân hàng sẽ tăng cường hút tiền gửi khách hàng trong những tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu cho vay trong mùa cao điểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Vượng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Hải Vương (TX.Bến Cát), cho biết dù các ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng các khoản vay hiện hữu vẫn ở mức 7-10%/năm. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, chỉ có khách hàng mới giải ngân mới có thể được hưởng lãi suất thấp còn lại hầu hết đều chưa tới thời hạn điều chỉnh lãi suất vay. Doanh nghiệp (DN) kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm nhanh và giảm sâu hơn nữa, chi phí vốn của các NHTM đang đà giảm nhằm tạo hấp lực cho DN vay vốn trong năm mới.

Ông Lê Hải Long, Phó Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh KCN Bình Dương, chia sẻ lãi suất huy động VND đang giảm rất sâu nhằm giúp ngân hàng tạo dư địa cho vay giá rẻ thời gian sắp tới. Trong thời gian qua ngân hàng phải huy động ở các kỳ hạn 6-12 tháng với lãi suất cao. Vì vậy cần có độ trễ 3-6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa giữa các ngành nghề. Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm nhằm đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Theo số liệu của NHNN - Chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 12-2023, tổng huy động vốn trên toàn địa bàn ước đạt 311.000 tỷ đồng, dư nợ ước đạt gần 318.000 tỷ đồng. Như vậy, dư nợ tín dụng vẫn tăng thấp và chưa đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023. NHNN khẳng định luôn chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động - cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Liên quan tới hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay, tài sản bảo đảm để hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn, đồng thời phải bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; chủ động cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cộng đồng DN đang hy vọng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn lãi suất thấp để lập kế hoạch kinh doanh mới trong một chu kỳ tăng trưởng mới.

Việc liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm cho thấy, trong bối cảnh cung thừa tiền - cầu tín dụng giảm, các ngân hàng đang hút dòng vốn rẻ nhằm đẩy nhanh việc đáp ứng nhu cầu cho vay sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

THANH HỒNG

Báo Bình Dương