Vốn tín dụng chính sách: Lan tỏa rộng, hiệu quả cao

Thứ ba, ngày 18/04/2023

(BDO)  Mặc dù nguồn vốn tín dụng chính sách còn hạn hẹp song Bình Dương luôn quan tâm việc huy động và bố trí nguồn lực tài chính cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh thực hiện các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Do vậy, hàng triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo bền vững.

 Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Dầu Tiếng thăm khách hàng sử dụng vốn hiệu quả tại địa phương

Huy động mọi nguồn lực

Sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20-11- 2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, với vai trò được giao, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã đạt những thành tích xuất sắc trong thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Điểm nổi bật trong thực hiện tại Bình Dương là tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị trong huy động các nguồn lực, tập trung tài chính để giúp người dân giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ khi có các chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành các văn bản, kế hoạch về việc triển khai thực hiện đến sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và UBND các cấp ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hàng năm, UBND các cấp đều trích ngân sách chuyển sang NHCSXH. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 1.866 tỷ đồng, chiếm 43% tổng nguồn vốn, tăng 1.802 tỷ đồng (tăng 28 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40. Trong đó, ngân sách tỉnh 1.596 tỷ đồng, chiếm 37% tổng nguồn vốn; ngân sách cấp huyện 270 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6% tổng nguồn vốn.

Từ đó, góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ở Bình Dương lên 4.322 tỷ đồng, tăng 3.271 tỷ đồng (tăng 3,1 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần tích cực giúp gần 47.000 lượt hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đầu tư hiệu quả, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững,

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao thông qua việc các tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được kiện toàn, củng cố, 100% tổ toàn tỉnh hoạt động bảo đảm thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở. Tính đến 31-3-2023, tổng nợ quá hạn hơn 6 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ, giảm 0,19% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40.

Công cụ giảm nghèo bền vững

Hệ thống chi nhánh ngân hàng tại Bình Dương chung sức, quyết tâm vượt khó, vừa huy động vốn nhanh, vừa chuyển kịp thời xuống 159 điểm giao dịch xã, thông qua mạng lưới vốn tín dụng chính sách phủ kín 91 xã, phường, thị trấn, 586 khu, ấp toàn tỉnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ đó, nguồn vốn chính sách đã trở thành công cụ hữu hiệu, giúp Bình Dương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tổng doanh số cho vay thời gian qua là 12.775 tỷ đồng, với hơn 460.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tổng dư nợ đến 31-3- 2023 đạt 4.110 tỷ đồng, tăng 3.179 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần) so với trước khi có Chỉ thị số 40, với gần 81.000 khách hàng còn dư nợ.

Chị Lê Thị Mỹ Dung, ở xóm Lẫm, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, cho biết đã có 3 lần vay vốn với số tiền 50 triệu đồng để trang trải chi phí nuôi con học đại học. Chị vay năm 2018, đến nay con trai lớn của của chị đã hoàn tất chương trình đại học, hiện công tác tại Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Chị tiếp tục được vay vốn từ chương trình chính sách chăm lo cho cháu thứ hai cũng đang học đại học.

Có thể khẳng định, từ nguồn vốn chính sách, các hộ nghèo, hộ khó khăn đã được tiếp sức để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình kinh tế, đa dạng hóa sinh kế như trồng trọt, chăn nuôi, thương mại, học tập… mang lại đời sống, việc làm ổn định.

 Thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 40, Kết luận 06 đi vào cuộc sống, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó chú trọng đến việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tạo lập tăng trưởng nguồn vốn cho tín dụng chính sách, mức tăng trưởng bình quân 10%; bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng, hiệu quả của chương trình tín dụng rất có ý nghĩa này.

 THANH HỒNG