Vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao
Ngoài việc gây ấn tượng mạnh với lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, lên đến gần 2 tỷ USD, từ đầu năm đến nay, Bình Dương vốn FDI còn chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao.
(BDO)
Lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh “hút” vốn FDI. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam. Ảnh: V.T
Công nghiệp chế tạo “hút” vốn FDI
Từ đầu năm đến nay, vốn FDI vào Bình Dương đạt 1,983 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 141% so với kế hoạch năm và 58,3% so với kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đến nay, Bình Dương có 2.997 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 27,7 tỷ USD. Để có được kết quả này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện…
Đáng chú ý, phần lớn vốn FDI tại Bình Dương đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và hiện đại. Chẳng hạn, mới đây đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy sản xuất trị giá 20 triệu USD của Công ty TNHH Bel Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Bel (Pháp); đây là nhà sản xuất những thương hiệu phô mai nổi tiếng như Con Bò Cười, Kiri, Babybel, Goodi, Regal Picon... Nhà máy này ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý, sản xuất các sản phẩm từ sữa để phục vụ thị trường xuất khẩu và trong nước.
Hay như dự án đầu tư của Công ty TNHH Polytex Far Eastern. Đây là dự án rất đáng chú ý bởi lĩnh vực công ty đăng ký hoạt động là phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may, bao gồm các sản phẩm xơ tổng hợp polysester. Dự án có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 485,8 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 760 triệu USD, tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng. Với dây chuyền máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu phụ trợ cho ngành công nghiệp dệt may không chỉ của Bình Dương mà còn mở rộng ra thị trường cả nước.
Vốn đến cùng công nghệ
Trong biểu đồ thu hút vốn FDI của Bình Dương 9 tháng qua, đáng chú ý là ngoài số vốn đăng ký mới còn có 87 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 765 triệu USD, tăng 143% về vốn đăng ký tăng thêm so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, nhiều dự án sau thời gian triển khai hiệu quả tại Bình Dương, chủ đầu tư đã quyết định rót thêm vốn để đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Việc Bình Dương mời gọi thành công hàng loạt dự án có hàm lượng công nghệ cao, chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo không chỉ cho thấy năng lực, uy tín của tỉnh trong việc thu hút đầu tư mà còn dự báo viễn cảnh lạc quan cho ngành công nghiệp địa phương. Với việc thu hút đầu tư hiệu quả trong những năm qua, Bình Dương dần trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của cả nước. Trong sự thành công chung này vẫn có những áp lực không nhỏ trong việc đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất để bắt kịp cùng chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa kể, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn đang đặt ra nhiều thách thức cho công nghiệp tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong bối cảnh công nghệ trong nước còn lạc hậu, việc nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rót vốn vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh là một tín hiệu đáng mừng.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, những năm qua Bình Dương thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp có hạ tầng tốt, phù hợp. Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính… luôn được tỉnh nỗ lực thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả nên đã đạt được mục tiêu đề ra. Phải khẳng định rằng, việc vốn FDI tăng tốc vào tỉnh sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, đô thị… có giá trị tăng cao, công nghệ hiện đại, hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Một số dự án đầu tư vào tỉnh có hàm lượng công nghệ cao trong 9 tháng năm 2017 như Dự án sản xuất sợi lốp KVT- 1, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, do Kolon Industries Inc (Hàn Quốc) đầu tư tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Dự án Công ty Cổ phần Tetra Pak Bình Dương (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD, tại Khu công nghiệp VSIP II-A. Dự án Công ty TNHH Tata Coffee Việt Nam (Ấn Độ), vốn đầu tư đăng ký 63 triệu USD, tại Khu công nghiệp VSIP II-A. Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan), vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 485,8 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 760 triệu USD, tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng…
KHÁNH VINH