Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh
(BDO) Khoảng 13 dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ tương lai, trung tâm R&D, trung tâm đổi mới và sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao có vốn hàng chục tỷ USD sắp được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh.
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh về cả đăng ký mới lẫn vốn thực hiện.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, kết quả thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chứng minh tính hấp dẫn, sức cạnh tranh và vị thế, tiềm năng của thị trường Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Đồng thời, thể hiện sự tiếp tục xu hướng tích cực của hoạt động đầu tư nước ngoài vốn đã định hình trong nhiều tháng qua.
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (gọi chung là vốn FDI) tính đến ngày 31/8, đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023; đặc biệt, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.
Bắc Ninh đã trở thành địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,47 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,94 lần cùng kỳ. Đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài là Quảng Ninh với gần 1,78 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,76 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng…
Đánh giá sự tăng tốc của dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng nguyên nhân một phần là nhờ hiệu ứng của chính sách ngoại giao kinh tế của Việt Nam. Các cuộc gặp gỡ cấp cao đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực bán dẫn, AI, vốn đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu.
Đặc biệt, hiện nhiều công ty, nhất là tập đoàn công nghệ lớn, nổi tiếng thế giới đang quan tâm, chủ động tìm hiểu điều kiện, cơ hội để nghiên cứu khả năng đầu tư dự án mới tại Việt Nam; trong đó, đáng ghi nhận nhất là những tập đoàn làm chủ công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.
Thực tế, ngoài Samsung và Hyosung, đến nay, các ông lớn trong ngành bán dẫn, AI… thế giới như Intel, Google, NVIDIA, Amkor, Hana Micron, Synopsys… đều có đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Những thương hiệu lớn trong ngành công nghệ đều có mặt hoặc liên quan mật thiết với thị trường Việt Nam đã và đang là nền tảng rất tốt cho cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, AI… mà Việt Nam đang tích cực nỗ lực thu hút và có nhiều quyết sách táo bạo.
Cục Đầu tư nước ngoài cho hay trong số nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn; đáng chú ý có dự án tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD của Tập đoàn Amkor.
Xưởng sản xuất của Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom.
Không chỉ Amkor, thông tin gần đây cho thấy, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn đang tích cực dốc vốn vào Việt Nam. Meiko Electronic là một ví dụ. Sau 3 nhà máy với vốn đầu tư 500 triệu USD, “ông lớn” Nhật Bản này hồi tháng 4/2024 đã xây một nhà máy mới ở Hòa Bình với vốn đầu tư 200 triệu USD và có kế hoạch nâng vốn lên 500 triệu USD. Như thế, Meiko sẽ nối dài danh sách “nhà đầu tư tỷ USD” tại Việt Nam.
Ngoài các lĩnh vực điện tử, bán dẫn mà Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, giờ đây, một lĩnh vực mới được dự báo cũng trở nên “hot” ở Việt Nam, đó là xây trung tâm dữ liệu.
Thông tin gần đây cho biết một trung tâm dữ liệu cỡ siêu lớn có thể được Google đầu tư tại Việt Nam, với mức đầu tư lên tới 300-650 triệu USD. Alibaba cũng đang cân nhắc xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 13 dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ tương lai, trung tâm R&D, trung tâm đổi mới và sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao có vốn hàng chục tỷ USD sắp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang thương thảo để tiến tới thực hiện tại một số tỉnh, thành phố.
Đặc biệt tới đây, tại ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) vào các ngày 1-2/10/2024, Chủ tịch Quan hệ toàn cầu tập đoàn Meta, ông Nick Clegg và lãnh đạo các Tập đoàn Qualcomm, NVIDIA… sẽ cùng có mặt tại Hà Nội và đóng góp tham luận về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Cùng trong dịp này, Chủ tịch Tập đoàn Meta sẽ tới dự sự kiện và công bố các cam kết lâu dài của Meta tại thị trường Việt Nam.
“Đây là thực tế rất quan trọng, điều kiện để Việt Nam nâng cao chất lượng đầu vào để tạo ra sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng, nâng lên một tầm cao mới cho nền kinh tế," lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.
Còn theo chuyên gia kinh tế, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, cho rằng ngoài ổn định chính trị, chính sách đón đầu, cải thiện thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tốt. Chiến lược thu hút FDI vào các lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, công nghệ tương lai… của chúng ta đang có những bước đi đúng.
Tuy nhiên, theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Mại, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút FDI trở nên căng thẳng, cùng với những diễn biến như thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, việc thích nghi với môi trường đầu tư toàn cầu trở nên phức tạp hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD, tức 30-40 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD và trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện tại thì việc đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mới là vô cùng cấp thiết.
Sản xuất thấu kính của doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại tỉnh Hòa Bình.
Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội mới thu hút ngày càng nhiều dự án FDI chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn, theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Mại, các địa phương đòi hỏi phải đổi mới nhanh hơn tư duy và hành động. Cùng với đó, nhận thức đúng bản chất và thực trạng tình hình, nhìn ra được xu thế và xu thế khách quan của sự vận động, trên cơ sở đó xác định được định hướng chiến lược phát triển phù hợp, các nhân tố và thể chế thúc đẩy phát triển; trong đó, cần chú trọng ba yếu tố là hoàn thiện thể chế, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng và đổi mới quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách, nhất quán tinh thần đồng hành, sẵn sàng gặp, nắm bắt tình hình để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm hỗ trợ nhà đầu tư một cách kịp thời, hiệu quả. Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh phù hợp thông lệ quốc tế cũng như tìm biện pháp đáp ứng nhu cầu mới của nhà đầu tư đối với những dự án lớn, cần có ưu đãi khác biệt.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế trên, Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm duy trì sức cạnh tranh, đặc biệt giữ chân nhà đầu tư và thu hút các “đại bàng." Chính sách này hướng tới mục tiêu để khuyến khích cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh mới./.
Theo TTXVN