Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục “rót mạnh” vào Bình Dương
(BDO) Tăng sức hấp dẫn
Tại buổi gặp lãnh đạo tỉnh mới đây, ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (KCN Bàu Bàng), cho biết trong quý III-2023, công ty sẽ tiếp tục rót thêm khoảng hơn 250 triệu đô la Mỹ vào Bình Dương. Như vậy, sau lần thứ 3 tăng vốn, Polytex Far Eastern trở thành dự án có vốn FDI lớn nhất tại Bình Dương.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Polytex Far Eastern (Việt Nam) vẫn tin tưởng tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,37 tỷ đô la Mỹ. Giữa muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2021, doanh thu của Polytex Far Eastern vẫn tăng trưởng 34,3% (đạt 630 triệu đô la Mỹ); năm 2022 doanh thu của doanh nghiệp (DN) này cũng đạt khoảng 755 triệu đô la Mỹ.
Nỗ lực vượt khó, nhiều DN tại Bình Dương vươn lên mạnh mẽ. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam
Liên quan đến việc triển khai xây dựng dự án mở rộng đầu tư lần 3, ông Yeh Ming Yuh chia sẻ công ty sẽ đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất với các sản phẩm sợi siêu bền (ứng dụng trong việc sản xuất dây an toàn, túi khí, lớp bố trong lốp xe…). Hưởng ứng chuyển đổi xanh trong sản xuất, công ty cũng sẽ xây dựng một nhà máy năng lượng điện mặt trời để cung cấp điện cho sản xuất. Công ty Polytex Far Eastern cam kết đầu tư vào Bình Dương hướng đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chung tay cùng tỉnh trong việc tăng cường trách nhiệm xã hội để bảo vệ môi trường và người lao động.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư và góp vốn vào Bình Dương, trong đó dự án đầu tư mới lớn nhất thuộc Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) với vốn đầu tư hơn 163 triệu đô la Mỹ, chiếm 16,7% tổng vốn đăng ký. Về góp vốn mua cổ phần, Hà Lan đứng đầu với 2 dự án có vốn 321,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 33% tổng vốn đăng ký; tiếp theo lần lượt là Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hoa Kỳ...
Lũy kế đến ngày 30-6-2023, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Samoa, Hàn Quốc, British VirginIslands, Hồng Kông, Trung Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,57 tỷ đô la Mỹ, chiếm 84% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Đài Loan đứng đầu với 870 dự án có tổng số vốn đăng ký gần 6,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 21% về số dự án và 16% về số vốn. Nhật Bản đứng thứ 2 với 346 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5,9 tỷ đô la Mỹ, chiếm 8% về số dự án và 15% về số vốn. Singapore đứng thứ 3 với 283 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,53 tỷ đô la Mỹ, chiếm 7% về số dự án và 14% về số vốn.
Chủ động tạo thuận lợi
Bất chấp trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu, Bình Dương tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Kết quả này cũng là nhờ tỉnh luôn chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN, nhà đầu tư nước ngoài, tập trung giải quyết hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay. Tại các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với các DN, nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh luôn chỉ đạo các sở, ngành chuyên trách tích cực cùng phối hợp, hỗ trợ DN, nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất hiệu quả hơn nữa, đồng thời triển khai các dự án mới nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Theo Viện Quản trị chính sách, Bình Dương là địa phương đầu tiên phối hợp Viện Quản trị chính sách khảo sát đồng bộ DN FDI trên địa bàn để phát triển chiến lược thu hút trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp áp dụng. Kết quả của khảo sát sẽ được gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thuế suất tối thiểu toàn cầu để góp phần giúp Chính phủ và Quốc hội có những quyết sách chủ động trong quá trình xây dựng luật.
Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 1-1-2024. Mức thuế suất DN tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam. Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đối với những DN chịu tác động mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng DN nói chung và chính sách thu hút đầu tư nói riêng, cần thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương chiến lược mới.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết đối với Bình Dương, trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, các DN FDI luôn là nguồn ngoại lực có vai trò, vị trí đặc biệt. Vì thế, Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN FDI hoạt động hiệu quả. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bình Dương tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, sẽ vẫn tập trung theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tập trung phát huy lợi thế môi trường đầu tư ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh.
NGỌC THANH