Vốn cho vay hộ nghèo: Cần thêm nguồn vốn- Kỳ 2

Thứ ba, ngày 22/09/2015

(BDO) Kỳ 2: Nguồn vốn sẽ dồi dào hơn

 7 năm qua, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Bình Dương và ngân sách tỉnh, hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có nhiều hộ nghèo, cận nghèo có thể tái nghèo nếu thiếu vốn vay. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương.

- Xin ông cho biết, vì sao có tình trạng hầu hết các địa phương hiện nay đều thiếu vốn vay hộ nghèo, cận nghèo?

- Trong những năm qua, tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra về công tác giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế tại địa phương.

Cán bộ tín dụng NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương đang làm thủ tục giải ngân cho vay các đối tượng chính sách tại phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo của Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, trên địa bàn Bình Dương không còn đối tượng hộ cận nghèo chuẩn quốc gia, vì vậy NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương không được Trung ương bố trí nguồn vốn cho vay chương trình này.

Thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh, NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương đã sử dụng nguồn vốn được Trung ương phân bổ lũy kế từ trước năm 2010 đến nay và một phần nguồn vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh để cho vay. Đến ngày 31-8-2015, tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo là 330,304 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương 291,444 tỷ đồng, chiếm 88%; nguồn vốn ngân sách tỉnh là 38,860 tỷ đồng, chiếm 12%).

- Theo tính toán của NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương, hàng năm vốn cho vay các đối tượng này thiếu hụt bao nhiêu so với nhu cầu?

- Đúng là hiện nay nguồn vốn của chi nhánh ngân hàng còn hạn hẹp, hơn 330 tỷ đồng có lẽ chưa thấm tháp gì so với nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo ở Bình Dương. Hàng năm, ngoài số vốn đang thực hiện cho vay, theo thống kê, nhu cầu vay vốn tại các địa phương còn khoảng 2.500 hộ cần được hỗ trợ vay vốn, thiếu hụt khoảng 25% so với nhu cầu. Tới đây, theo dự kiến chuẩn nghèo đa chiều mới khi áp dụng thì đối tượng hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng lên rất lớn.

Ngoài ra, một vấn đề băn khoăn hiện nay là việc thực hiện Văn bản số 1602/VPCP-KTTH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn Trung ương đang cho vay hiện nay phải thu hồi và chuyển trả Trung ương, thời gian từ ngày 1-1-2016. Vì vậy, sẽ rất khó khăn cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trong thời gian tới nếu chúng ta không có nguồn vốn khác thay thế.

- Việc Trung ương rút vốn về có gây khó khăn gì đối với việc thực hiện giảm nghèo của tỉnh, thưa ông?

- Thực hiện Văn bản số 1602/VPCP-KTTH ngày 12- 3-2014 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo theo chuẩn địa phương, từ ngày 1-1-2016 các địa phương ban hành chuẩn nghèo riêng (cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia) cần tập trung nguồn vốn của địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay theo chuẩn nghèo địa phương.

Vốn tín dụng chính sách là một trong các giải pháp quan trọng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vì vậy, việc Trung ương rút vốn sẽ dẫn đến số hộ nghèo, hộ cận nghèo không có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, không có việc làm, mất thu nhập sẽ dễ dàng bị tái nghèo, tái cận nghèo, gây bất ổn xã hội và người dân sẽ phản ứng với chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

- Vậy Bình Dương cần có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn nói trên?

- Trước tình hình này, NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh và đến ngày 31- 3-2014, Chủ tịch UBND tỉnh có Văn bản số 896/UBND-VX về việc cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn địa phương; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu kế hoạch cụ thể cho UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương để thay thế nguồn vốn của Trung ương và hỗ trợ hộ vay phần chênh lệch lãi suất cho vay chuẩn Trung ương và chuẩn địa phương (khi sử dụng nguồn vốn Trung ương cho vay hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn địa phương sẽ áp dụng lãi suất tăng thêm 20% so với lãi suất hộ nghèo, cận nghèo thuộc tiêu chí Trung ương).

Ngoài ra, NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ được gia hạn nguồn vốn Trung ương hiện còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn địa phương để tiếp tục đầu tư cho vay hộ mới thoát nghèo chuẩn địa phương đến hết năm 2020, hoặc chuyển sang cho vay chương trình khác tại địa phương.

 

THANH HỒNG

Từ khóa: