Vốn chính sách xã hội phát huy hiệu quả

Thứ hai, ngày 27/11/2023

(BDO)  Tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) ở cơ sở không những chuyển tải nhanh, hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách mà còn thực hiện việc quản lý, giám sát, thu nợ… Các tổ chức nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn quan tâm đến việc phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của TTK&VV.

 Giải ngân tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên

 Bảo toàn vốn vay

Chị Lê Thị Bình, Tổ trưởng TTK&VV ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ sự trông đợi của những hộ khó khăn vào đồng vốn vay. Vì vậy, mỗi khi có chính sách vay mới, sau khi hướng dẫn các hộ tiếp cận nguồn vốn, tôi tích cực tuyên truyền, theo dõi sử dụng vốn vay đúng mục đích”.

Được biết, đến nay TTK&VV ở ấp Vườn Ươm có 43 hộ được vay với số tiền trên 2,6 tỷ đồng, không có nợ xấu. Hầu hết các hộ vay chủ yếu phát triển chăn nuôi và trồng cao su, điển hình như anh Đinh Tấn Phi vay 50 triệu đồng để trồng cao su, anh Phạm Thành Lộc vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gia cầm, kinh doanh nhỏ lẻ…

Tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng hiện đang ủy thác cho vay đối với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Những năm qua, cả 4 đơn vị đều thực hiện quản lý tốt nguồn vốn ủy thác. Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng, cho biết huyện có 273 TTK&VV. Xác định TTK&VV có vai trò quan trọng quyết định sự thành công của việc quản lý, sử dụng và thu hồi vốn, nên việc thành lập tổ, lựa chọn người phụ trách tổ đều thực hiện nghiêm túc. Trong đó, có những TTK&VV được đánh giá chất lượng hoạt động nổi bật. Đơn cử như TTK&VV ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, đạt tổng dư nợ gần 1,9 tỷ đồng, với 52 thành viên vay vốn. Ngoài tiến độ thu nợ tốt, số dư tiền gửi tiết kiệm của các hộ vay đều đặn, tổ không có nợ quá hạn và nợ lãi tồn đọng.

Ông Trương Đức Giảng, Tổ trưởng TTK&VV ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, cho biết tổ có 60 thành viên tham gia vay vốn với dư nợ 2,695 tỷ đồng. Nguồn vốn được các thành viên đầu tư vào trồng cây ăn trái, phát triển chăn nuôi trâu, bò và làm dịch vụ rất hiệu quả, hiện không xảy ra trường hợp nợ quá hạn.

Nâng chất tín dụng

Yếu tố quan trọng giúp các TTK&VV trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác ủy thác là tăng cường việc kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng vay ké, xâm tiêu, trả chậm. Với những cách làm thiết thực đã từng bước nâng cao chất lượng tín dụng của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 19.072 lượt khách hàng vay vốn ở 1.688 TTT&VV, tổng dư nợ trên 4.288 tỷ đồng, tổng nợ xấu trên 8,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,2% tổng dư nợ, đây là con số khá thấp so với giới hạn tỷ lệ nợ xấu của NHCSXH Việt Nam.

Theo ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH tỉnh, thời gian qua, cùng với việc tăng trưởng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, các đơn vị phối hợp chú trọng việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt hệ thống các giải pháp như bảo đảm thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và thực hiện nguyên tắc có vay có trả, tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ.

Cũng theo ông Võ Văn Đức, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các TTK&VV, tuyên truyền và thực hiện giải pháp hỗ trợ cho khách hàng theo quy định; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã, hoạt động ủy thác; chỉ đạo các TTK&VV phối hợp thực hiện hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn và tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng theo mục tiêu đề ra.

 NHCSXH tỉnh tập trung rà soát nhu cầu vay vốn, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ đó, tạo tiền đề, động lực giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

 THANH HỒNG