Vợ ung thư quét rác nuôi chồng bệnh nặng!

Thứ bảy, ngày 10/08/2013

Tiếp tôi tại giường bệnh của chồng (phòng 15 Khoa ngoại, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh), bà Lê Ngọc Hường, 45 tuổi ít nói về mình. Bà cho biết bị ung thư vú và đã mổ khuyết một bên. Hỏi bà có ngại không khi “bên đầy bên vơi”, bà chỉ cười buồn: “Mình làm nghề quét rác, đẹp xấu gì!”… Chồng bà, ông Nguyễn Văn Tính, 57 tuổi nằm trên giường bệnh vì vết mổ hở khá dài ở bụng cũng héo hắt nhìn vợ.    Bà Hường chăm sóc chồng ở bệnh viện

Vợ chồng ông Tính, bà Hường ở xã Chánh Mỹ, TP.TDM. Hai ông bà nghèo, là công nhân vệ sinh của một đội thu gom rác sinh hoạt tại địa phương. Ngày qua ngày, đồng lương ít ỏi của họ chỉ gần 2 triệu đồng/tháng. Nhà có 5 miệng ăn, với thu nhập khó khăn vậy mà ông bà còn đang mắc bệnh hiểm nghèo. Đứa con đầu có gia đình ra riêng cũng chật vật không kém. Ông bà còn người con 15 tuổi cũng phải nghỉ học sớm vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Thằng con út 8 tuổi ở nhà với anh. Hai anh em đến bữa có gì ăn nấy và tự lo cho nhau bởi mẹ phải chăm sóc ba trong bệnh viện.

Theo lời vợ chồng ông bà thì trước đây dù nghèo nhưng vợ chồng, con cái tiết kiệm cũng lo được cho nhau, không nợ nần. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi vợ chồng ông bà đổ bệnh, nợ tìm đến! Một lần bà Hường đang làm việc thì ngất xỉu. Đưa vào BVĐK tỉnh khám tổng quát, bác sĩ bảo nên đến ngay Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để khám vì phát hiện bà có khối u ở ngực trái. Bệnh viện Ung bướu khám và cho lịch mổ cuối tháng 11-2012. Một bên ngực bị cắt, bệnh viện chỉ định bà thực hiện đủ 6 toa hóa trị, 12 toa xạ trị. “Cứ 3 tuần tôi phải đến bệnh viện điều trị định kỳ một lần và phải đóng 3 triệu đồng. Dù đã được trừ bảo hiểm nhưng đó vẫn là số tiền quá lớn với gia đình tôi. Vay mượn mãi cũng hết chỗ để vay, tôi về nhà tiếp tục quét rác và nghe người ta khuyên uống thuốc Nam, tôi chuyển qua uống thuốc Nam cho đỡ tốn tiền”, bà Hường kể giọng buồn buồn.

Thông tin phản hồi

 Bạn đọc tiếp tục hỗ trợ bé Sơn Long Thành

 Bé Sơn Long Thành (SN 2011), được đề cập qua các bài viết “Túng thiếu nhìn con bệnh” và “Thương cho trót”… mà Báo Bình Dương đăng tải qua chương trình “Hãy gọi đến chúng tôi” đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ mổ tim. Anh Sơn Thu, cha của bé vui mừng cho biết: “Gia đình tôi rất mừng và cảm động khi được hỗ trợ chi phí mổ tim 46 triệu đồng và các chi phí kèm theo từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Ngoài sự quan tâm giúp đỡ này, chúng tôi còn nhận được quà từ độc giả của Báo Bình Dương đến thăm, tặng cho con tôi”.

Hiện, cháu Long Thành đã xuất viện. Những này qua, gia đình anh Sơn Thu được nhiều người đến tận phòng trọ hỏi thăm, tặng quà là tiền, đường, sữa… Hội Phụ nữ xã Thạnh Phước, nơi gia đình anh đang ở trọ làm gạch cũng hứa sẽ giúp đỡ trường hợp khó khăn này.

H.CẦN

Tổng số tiền uống thuốc Nam mỗi tháng của bà hơn 1 triệu đồng cũng quá khó khăn khi ông Tính đổ bệnh, chỉ còn một mình bà Hường đi làm. Suốt một năm ông đau bụng không rõ nguyên nhân. Lần cuối cùng ông nhập viện ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thì được bác sĩ chỉ định mổ ruột thừa. Sau phẫu thuật, vết thương không lành, bụng ông căng cứng lên và tiếp tục đau. Gia đình đưa ông trở lại bệnh viện được chẩn đoán “viêm phúc mạc toàn bộ do áp-xe ruột thừa vỡ”. Không đủ điều kiện chăm chồng nơi xa, bà Hường đưa chồng về BVĐK tỉnh điều trị. “Hai vợ chồng đau ốm nên bây giờ nợ nần chồng chất. Tui thương vợ vất vả nhưng phải nằm đây. Ước gì tui sớm khỏe mạnh để đi làm phụ vợ”, ông Tính ngậm ngùi nói. Những người chăm bệnh chung phòng còn cho biết, bà Hường rất tội nghiệp, ai kêu gì cũng làm thêm. Hàng ngày vừa đi quét rác, vào bệnh viện chăm chồng rồi vội về lo cho 2 con ở nhà nhưng bà vẫn tranh thủ đi xin vải vụn, chỉ may mang về may thảm lau chân bán dạo. Một tấm thảm bà may mấy tiếng đồng hồ mới xong vì bị gián đoạn bởi những cơn đau trong người và còn phải chăm sóc cho chồng... Nhiều người thương tình mua giúp khiến bà mừng rơi nước mắt. Điều bà Hường lo nhất hiện nay là không biết khi nào bà có tiền lo thuốc men và để trả nợ.

Chia tay vợ chồng bà khi trời vần vũ gió mưa, tôi mong cho giấc mơ hết nợ của bà sớm thành hiện thực. Có như thế, bà Hường mới bớt cơ cực, vất vả…

 HƯƠNG CẦN