Vở tuồng kinh điển
(BDO) Thời gian qua đi khiến cho con người có nhiều thay đổi, nhưng ắt hẳn người ái mộ cải lương (CL) không thể nào quên được những tình tiết trong kịch bản “Bên cầu dệt lụa”, vở tuồng được xếp vào hàng kinh điển của làng CL Việt Nam do cố soạn giả Thế Châu (người con của miền quê Lái Thiêu - Bình Dương) chấp bút.
Nguyên tác vở tuồng dựa trên tích truyện “Trần Minh khố chuối” trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Thập niên 1960, dựa vào cốt truyện này, soạn giả Thanh Cao đã sáng tác một vở tuồng được biểu diễn trên sân khấu Tiếng Chuông. Sau đó, bộ đôi soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng cũng viết thành vở hát có đề tựa là “Quán gấm đầu làng”, được hát trên sân khấu Bích Sơn - Ngọc An. Tuy nhiên, phiên bản do soạn giả Thế Châu biên soạn và ra mắt thời điểm những năm 1976-1977 ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ được cho là ấn tượng nhất, được báo giới kịch trường đánh giá là một vở tuồng hay, văn chương hoa mỹ, đề cao lòng hiếu thảo, tình bằng hữu, nghĩa thủy chung, với nhiều lớp diễn có lời đối thoại giữa các nhân vật rất hay, sâu sắc.
Một cảnh trong vở “Bên cầu dệt lụa”
Nội dung vở diễn thật đơn sơ, mộc mạc như câu chuyện cổ tích, ở một làng nọ có nàng tiểu thư Quỳnh Nga con quan Tri huyện đem lòng yêu thương Trần Minh, một chàng trai nghèo nhưng tài giỏi, hiếu thảo. Dù hai gia đình trước đây đã từng chỉ bút giao hôn cho Trần Minh và Quỳnh Nga, nhưng vì gia đình Trần Minh suy sụp, nghèo túng, nên quan Tri huyện hủy bỏ lời giao hôn thuở trước. Thuyết phục phụ thân không được, Quỳnh Nga nhất định vượt khuê môn ra ngoài dựng quán, ngày đêm chăn tằm dệt lụa, giúp đỡ Trần Minh ăn học. Trời không phụ người hiền, sau mấy năm trời sôi kinh nấu sử, Trần Minh đỗ đạt Trạng nguyên, vinh quy bái tổ, sống hạnh phúc bên người vợ hiền chung thủy Quỳnh Nga.
“Bên cầu dệt lụa” có nhiều lớp diễn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Chẳng hạn như lớp diễn công chúa Bích Vân gặp tiểu thư Quỳnh Nga, với tình tiết như sau: Bích Vân kiêu hãnh một mình một ngựa đi tìm người con gái đã khiến cho Trạng nguyên Trần Minh từ chối hôn ước với mình. Với quyền lực, bạc vàng và nhan sắc sẵn có, nàng tin chắc mình sẽ thắng cuộc. Thế nhưng, khi đối mặt nhau, từ những lời đối đáp đầu tiên của Quỳnh Nga đã khiến cho công chúa Bích Vân trở thành người thua cuộc. Hay như lớp diễn Trần Minh tái ngộ Nhuận Điền trong lớp áo hàn sĩ sau khi đỗ đạt được xem là mẫu mực bởi triết lý nhân sinh sâu sắc thể hiện qua lời ca giàu chất văn học cùng diễn biến tâm lý vô cùng tinh tế của đôi nhân vật tri kỷ tri âm. Phải chăng soạn giả Thế Châu đã “cân, đong, đo, đếm” từng tình tiết, từng câu chữ nên mới cho ra đời một “Bên cầu dệt lụa” “đẹp” từng lời thoại, câu ca.
Điểm nổi bật của vở “Bên cầu dệt lụa” được thể hiện ở giá trị văn chương, cùng việc dựng nên những hình mẫu nhân vật lý tưởng điển hình như: Quỳnh Nga - đại diện cho hình tượng người phụ nữ Việt Nam chung thủy, chính chuyên, đầy khí tiết; Trần Minh - một nam nhân chuẩn mực với đủ đầy khí chất: hiếu, tín, lễ, nghĩa; Nhuận Điền - nhân vật sân khấu đặc sắc khi thể hiện rõ nét tính cách của người dân Nam bộ đó là bộc trực, thẳng thắn, trọng nghĩa, khinh tài…
Mặc dù được tái dựng nhiều lần, nhưng bản dựng “Bên cầu dệt lụa” của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga cách nay hơn 40 năm vẫn được xem là mẫu mực. Chính kỹ thuật ca ngâm - diễn xuất của lớp nghệ sĩ tài hoa: Thanh Nga, Thanh Sang, Thanh Tú, Hùng Minh, Xuân Lan, Văn Ngà… đã góp phần quan trọng đưa “Bên cầu dệt lụa” thuộc hàng kinh điển của sân khấu CL và mang lại cho khán giả một niềm vui khi được nhắc nhở về đạo đức thủy chung của người Việt Nam.
Soạn giả Thế Châu tên thật là Ngô Văn Long, sinh năm 1936, tại Lái Thiêu - Bình Dương. Trước khi đến với nghiệp sáng tác kịch bản, ông là một giáo chức. Vở diễn đầu tay của ông là “Lê Lai cứu chúa” ra mắt tại Hội thi Văn nghệ dành cho ngành giáo dục ở Bình Dương (1964) với bút hiệu Thế Châu. Năm 1965, trở thành soạn giả CL chuyên nghiệp cho đến khi qua đời, soạn giả Thế Châu đã sáng tác nhiều vở tuồng “để đời” như: “Bên cầu dệt lụa”, “Thủ cung xa”, “Sao trời lại xanh”, “Trường tương tư”, “Hoa tím bằng lăng”, “Tấm Cám”, “Mùa gió chướng”…; “Qua cầu đắng cay”, “Tâm sự cha tôi”, “Vợ tạm chồng hờ” (hợp soạn với Nhị Kiều); “Bến tương tư”, “An Lộc Sơn”, “Hành khất đại hiệp” (chấp bút với Hoa Phượng và Loan Thảo)…
Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH