Võ sư Hồ Tường - Khát vọng đem võ về lại miền đất võ

Thứ bảy, ngày 01/03/2014

   Võ sư Hồ Tường (áo trắng) cùng môn sinh Tân Khánh - Bà Trà tại Nhà VHTN quận 1, TP.HCM

 Gặp Võ sư Hồ Tường trong một chiều mưa tầm tã, một góc vắng tầng 1 Nhà văn hóa Thanh niên quận 1, TP.HCM mấy chiếc ghế nhựa quây lại chúng tôi được đón tiếp bằng tất cả lòng chân thành và sự thông cảm, sẻ chia. Vị võ sư đáng kính mà chúng tôi được biết tới với 45 năm gìn giữ và truyền dạy võ Tân Khánh - Bà Trà, 20 năm mở lớp võ miễn phí cho thanh thiếu niên thật bình dị. Ông đã gần 60 tuổi, nước ra rám nắng, thân hình gọn chắc, mái tóc muối tiêu, cặp mắt với những nỗi niềm trăn trở… Nụ cười của ông như xóa đi sự căng thẳng và bỡ ngỡ ban đầu. Ông bước vào cuộc đời và nghiệp võ bằng phong thái ung dung của con người vùng Tân Khánh.

Sinh ra tại vùng Khánh Thạnh - Tân Phước Khánh, võ sư Hồ Tường được học võ Tân Khánh - Bà Trà trực tiếp từ người cha và từ võ sư Hồ Văn Thạch từ rất sớm. Lớn lên, ông sống với cha ở Sài Gòn, vừa học văn hóa, vừa tiếp tục rèn luyện võ thuật. Từ những năm 1965-1966 trở đi, ông bắt đầu giúp cha trong việc huấn luyện võ thuật.

Năm 1972, ông được Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận là huấn luyện viên. Từ đó, huấn luyện viên Hồ Tường cùng với cha là võ sư Từ Thiện - Hồ Văn Lành dốc sức đào tạo nên nhiều võ sĩ có tên tuổi trong giới võ thuật. Võ sư Hồ Tường cũng là người đầu tiên viết bài góp ý trên báo Sài Gòn Giải Phóng về việc nên khôi phục lại hoạt động võ thuật cổ truyền Việt Nam, vừa để đáp ứng nhu cầu tập luyện của thanh niên thời lúc bấy giờ, vừa khôi phục truyền thống hào hùng, thượng võ của dân tộc Việt.

Võ sư Hồ Tường ý thức rất rõ vấn đề gìn giữ và phát huy nền võ học nước nhà. Ngay sau khi võ thuật được chính thức hoạt động trở lại (1975), võ sư Hồ Tường đã lặn lội khắp nơi truyền bá võ nghệ và thành lập các câu lạc bộ võ thuật. Trong 3 năm từ 1979 đến 1981, ông đã đứng ra thành lập 3 câu lạc bộ Võ lâm Tân Khánh - Bà Trà. Đến nay, võ sư Hồ Tường đã đào tạo hàng ngàn môn sinh và nhiều võ sư đang hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh và khắp vùng Nam bộ.

Gần 60 năm tuổi đời và cũng ngần ấy thời gian gắn bó với nghiệp võ, ông vẫn miệt mài truyền dạy, đúc kết và không ngừng khổ luyện. Tiếng tăm của phái võ Tân Khánh - Bà Trà gắn liền với tên tuổi của ông. Nói ông rất thành công với việc phát triển võ Tân Khánh - Bà Trà cũng không lấy gì làm ngoa khi nhìn vào lượng môn sinh, lượng câu lạc bộ đang được phát triển rộng khắp. Ông cũng được tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen về công tác bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay vị võ sư này vẫn đau đáu nghĩ về nền võ học của dân tộc, nghĩ về tương lai của phái Tân Khánh - Bà Trà. Ông luôn trăn trở: “Làm thế nào để võ cổ truyền dân tộc được nhiều người biết đến, nhiều người luyện tập hơn” và “Làm sao để khôi phục môn phái Tân Khánh - Bà Trà ngay chính tại mảnh đất đã từng khai sinh ra nó - vùng Tân Phước Khánh, Bình Chuẩn”.

Được thừa kế những bí kíp võ học từ người cha, võ sư Hồ Tường cũng phải tiếp nhận trách nhiệm phát triển môn phái, trách nhiệm gìn giữ và truyền lửa cho các thế hệ môn sinh. Ông muốn võ phái của mình được nhiều người biết đến hơn, chính vì thế võ sư Hồ Tường luôn cố gắng vượt qua những khó khăn do hoàn cảnh đem lại. Ông đã từng đạp xe đạp từ quận 1 sang quận 5, sang Nhà Bè, Gò Vấp (TP.HCM), đạp về Thủ Dầu Một - Bình Dương… hễ nơi nào có thể gieo nên những hạt mầm võ thuật là ông không tiếc công sức, không ngại gian khổ.

Môn phái Tân Khánh - Bà Trà càng phát triển bên ngoài bao nhiêu thì sự thôi thúc trong thâm tâm ông càng lớn bấy nhiêu. Việc đưa môn võ Tân Khánh - Bà Trà về lại với vùng Tân Phước Khánh, Bình Chuẩn, cái nôi đã sinh thành ra nó không chỉ là tâm huyết của võ sư Hồ Tường mà nó còn là tâm huyết của cả một thế hệ đi trước, trong đó có cố võ sư Hồ Văn Lành, người đã rất thành công khi phát triển võ Tân Khánh - Bà Trà ra ngoài khu vực Tân Uyên nhưng lại chịu thất bại khi muốn đem võ về chốn cũ.

Không ai ngờ rằng vùng đất Tân Uyên quả cảm, anh dũng, nơi tạo nên môn võ lừng danh Tân Khánh - Bà Trà hiện tại lại không còn lò dạy võ nào. Người biết võ thì chỉ đếm được trên đầu ngòn tay, song tất cả lại đang ở vào độ tuổi 70 - 80, khả năng mở lớp truyền dạy võ nghệ là không cao.

Niềm trăn trở của võ sư Hồ Tường, mà nói đúng hơn là di huấn từ người cha đã không ngừng thôi thúc ông. Đã có giai đoạn ông chạy xe từ TP.HCM về Thủ Dầu Một dạy võ. Ông cũng là người đầu tiên dựng võ đài ở vùng Tân Uyên, đem võ sĩ về thi đấu và biểu diễn suốt mấy ngày liền. Bà con vùng Tân Phước Khánh khi ấy ai ai cũng phấn khởi, họ cảm thấy tự hào khi người con ưu tú của vùng nay đã rạng danh trở về. Cả họ và ông đều hy vọng qua sự kiện này sẽ vực lại được tinh thần thượng võ vốn có sẵn trong mỗi người dân, từ đó từng bước gây dựng lại phong trào luyện tập võ nghệ. Song sự kỳ vọng đó đã không thành hiện thực…    Thầy trò võ sư Hồ Tường (thứ ba từ trái sang) thăm lại vùng đất Bà Trà (tháng 3-2013)

Đứng trên quan điểm là người nghiên cứu, giảng dạy văn hóa và là một phần của chủ thể di sản môn phái Tân Khánh - Bà Trà, võ sư Hồ Tường cho rằng: Sở dĩ môn võ này chưa thể phục hồi được trên mảnh đất vốn từng sinh ra nó bởi 3 nguyên nhân.

Thứ nhất: Hiện tại, dự án bảo tồn và phát huy võ Tân Khánh - Bà Trà đã được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu thu (10- 2011), nhưng kế hoạch và các biện pháp bảo tồn, phát triển chưa được sớm thực hiện. Việc thành lập một vài câu lạc bộ để truyền dạy không phải là vấn đề quá phức tạp. Nhưng làm sao để võ Tân Khánh có thể “sống” và phát triển vững chắc mới là mục đích lâu dài, mục đích mà chúng ta cần hướng tới.

Thứ hai: Tính biệt lập, gia truyền ảnh hưởng không nhỏ đến việc phổ biến và truyền dạy võ. Những người biết võ thường chỉ truyền dạy cho con cháu trong gia đình, hiếm có trường hợp nhận dạy người ngoài cho dù hiện tại võ thuật đã được tự do hoạt động. Lối truyền dạy như vậy đã làm cho môn võ Tân Khánh ngày càng đi vào ngõ cụt. Những đòn thế, bài bản võ học bị thất truyền, đặc biệt là khi các cao thủ võ học khuất núi.

Thứ ba: Võ thuật cổ truyền Bình Dương đang thiếu một lớp môn sinh tiên phong, xung kích. Võ sư Hồ Tường hiện tại đã khá cao tuổi, lại định cư tại Gò Vấp. Việc trở về Bình Dương lập câu lạc bộ và dạy võ chỉ là phương án tình thế, không thể dài hạn. Điều tiên quyết là phải đào tạo được một lớp môn sinh Bình Dương, sau đó từ những hạt nhân này mới từ từ nhân rộng. Tuy nhiên, hơn 1.000 môn sinh của thầy Hồ Tường chủ yếu là người TP.HCM. Anh Đặng Văn Vạn là môn sinh hiếm hoi người Bình Dương, hiện tại anh đã thành lập Câu lạc bộ võ thuật Tân Khánh - Bà Trà tại Trung tâm văn hóa Thuận An, chắc chắn rằng đây sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát huy võ phái Tân Khánh - Bà Trà trong thời gian sắp tới…

Chúng tôi tạm biệt võ sư Hồ Tường mà lòng vẫn đau đáu suy nghĩ về những tâm nguyện của ông, những tâm nguyện từ sự mong mỏi của cả vùng Tân Phước Khánh. Dẫu biết rằng những ước nguyện của một đời người không phải ai cũng được toại nguyện, song chúng tôi vẫn hy vọng rằng võ Tân Khánh - Bà Trà sẽ nhận được nhiều sự chia sẻ và đón nhận, những khát vọng của ông sớm trở thành hiện thực...

 ĐỨC THUẬN