Vợ phải đóng thay thuế thu nhập cá nhân cho người chồng đã mất?
Trong Công văn số 2493/ TCT-TNCN của Tổng cục Thuế gửi Cục Thuế tỉnh Bình Dương, có quy định vợ phải đóng thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người chồng đã mất.
Công văn nói gì?
+ Tại điểm 9 Điều 3 Luật Thuế TNCN quy định thu nhập chịu thuế TNCN như sau: “Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng”. Tại Điểm 9, Mục II, Phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về tài sản thừa kế đối với các loại tài sản sau đây: “9.1. Đối với nhận thừa kế là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán. 9.2. Đối với nhận thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh; vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân, vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân”.
Ảnh minh họa
+ Tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định Tài sản chung của vợ chồng bao gồm: “1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. 3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản của vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung”.
+ Tại Điều 219 Bộ Luật Dân sự quy định về sở hữu chung của vợ chồng như sau: “1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. 2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. 3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. 4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án”.
+ Căn cứ các quy định nêu trên, nếu số vốn cổ phần đứng tên chồng có căn cứ xác nhận là tài sản chung của hai vợ chồng thì khi người chồng mất đi, việc xác định phần vốn đứng tên người chồng thuộc sở hữu của người vợ sẽ thực hiện theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng, theo di chúc hoặc theo quyết định của tòa án. Theo đó, nếu phần vốn đứng tên chồng thuộc sở hữu của người vợ theo quy định của pháp luật thì khi chuyển sang tên người vợ không phải là khoản thu nhập từ thừa kế nên không chịu thuế TNCN. Phần vốn đứng tên chồng thuộc sở hữu của người chồng khi chuyển sang tên cho vợ hoặc cho các hàng thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật là khoản thu nhập từ thừa kế chịu thuế TNCN. Nếu số vốn cổ phần đứng tên chồng có căn cứ xác định là tài sản riêng của người chồng thì khi người chồng chết đi, phần vốn cổ phần chuyển sang tên vợ là tài sản người vợ nhận được từ thừa kế của chồng. Người vợ sẽ thực hiện nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ thừa kế theo quy định của Luật Thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN.
Liệu có thỏa đáng?
Như vậy, với hướng dẫn nêu trên của Tổng cục Thuế thì người vợ sẽ phải đóng thuế TNCN khi nhận phần tài sản mà chính mình đã góp phần mồ hôi nước mắt để tạo lập ra. Điều này liệu có thỏa đáng?
Căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân - Gia đình, tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của hai vợ chồng và đây là tài sản chung hợp nhất. Căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự thì tài sản chung hợp nhất được hiểu như sau: Điều 217. Sở hữu chung hợp nhất: 1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. 2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người vợ, người chồng mỗi người đều có toàn bộ quyền trên khối tài sản chung, không thể phân biệt rằng người này có một nửa quyền trên phần tài sản này, người kia có một nửa quyền trên phần tài sản kia. Và vì lẽ đó, việc người vợ nhận phần tài sản chung sau khi người chồng mất đi chỉ có ý nghĩa là số người có quyền sở hữu đối với khối tài sản chung đã giảm đi một người, chứ không hề có sự chuyển giao tài sản từ quyền sở hữu của người chồng sang quyền sở hữu của người vợ.
Và nếu đã không có việc chuyển giao tài sản từ người chồng sang người vợ thì sao có thể gọi là “Thu nhập từ thừa kế” và áp thuế TNCN lên khối tài sản này?
THẢO VY