Vợ chồng trẻ và... hụt hẫng sau ngày cưới
Hụt hẫng ở đây là họ không biết sắp xếp cuộc sống chung ra sao. Rồi những “thất vọng” về đối phương không được như những gì mình suy nghĩ đã đẩy cuộc sống của họ có lúc vào những khó khăn nhất định. Theo các chuyên gia về tình yêu hôn nhân gia đình thì đây là giai đoạn “ấu thơ” của một cuộc hôn nhân. Hy vọng các bạn trẻ đủ... bản lĩnh vượt qua giai đoạn này!
Vợ vụng là điều nhiều người chồng… ngại nhất
Vợ “trẻ con”!
Hưng - một kỹ sư xây dựng quê miền Bắc dắt cô vợ xinh xắn, cao ráo mới cưới của mình đi... khoe với bà con, bạn bè ở trong Nam này. Hai vợ chồng cùng quê, họ cưới nhau và đưa nhau vào miền Nam sinh sống bởi Hưng đã có công ăn việc làm ở đây. Tưởng mọi chuyện sau hôn nhân vẫn “đẹp như mơ” nhưng không ngờ Hưng lắm phen đau đầu vì cô vợ “trẻ con” của mình.
Hai người thuê căn hộ khá tiện nghi để ở trọ. Vợ chưa có việc nên Hưng phải làm cật lực hơn bởi anh không muốn ở nhà thuê mãi. Nhưng cô vợ xem ra rất thờ ơ với công việc. Mọi chuyện cô... phó thác cho chồng. Rất nhiều lần Hưng đi làm về chỉ thấy vợ ngồi xem ti vi, đọc báo hoặc vào mạng... tìm nhạc chờ hay để cài cho dế yêu! Như một cô bé mới lớn, vợ Hưng cũng mê sửa soạn, làm đẹp và đi mua sắm hơn là nấu ăn. Cưới vợ có “xu hướng” đi ăn nhà hàng hơn nấu cơm nên Hưng lo rằng, những đồng tiền dành dụm sau ngày cưới, của hồi môn sẽ nhanh chóng tan theo mây khói! Nhắc khéo, nàng hờn giận: “Anh chê em chưa làm ra tiền chứ gì? Hết bao nhiêu, em gọi mẹ gửi vào... bù cho anh!”. Bó tay với cách nghĩ của vợ, Hưng bảo cô đi chợ, nấu ăn để tiết kiệm hơn nữa cũng đỡ ngồi không rồi buồn phiền, nhớ nhà thì vợ anh lại hồn nhiên: “Ai bảo anh cưới vợ... vụng làm gì? Từ nhỏ tới giờ, em chỉ biết ăn, đi chơi, đi học mà thôi”.
Cứ mỗi lần anh bàn cách tổ chức một nếp sinh hoạt gia đình như bao người khác thì vợ anh lặp lại điệp khúc; mình còn trẻ mà, phải biết tận hưởng cuộc sống chứ. Nhà thì... không có trước cũng có sau. Anh cứ xin việc cho em xong là mọi chuyện đâu vào đó thôi. Hưng cũng mong như thế và đến nay vợ anh đã có việc làm. Tuy nhiên, tính trẻ con thì không thay đổi. Lấy cớ đi làm về mệt, không nấu nổi cơm mà ăn nên họ lại đi ăn cơm tiệm dài dài. Mấy người bạn thân thường đùa “gặp vợ chồng tụi bây ngoài đường nhiều hơn ở nhà”. Sau nhiều lần muốn... uốn nắn vợ nhưng chưa được, Hưng đành chờ cho thời gian sẽ làm nàng... lớn lên (ít nhất là sau khi làm mẹ!). Cũng đành vậy thôi bởi giờ có nói thêm nữa thì nàng dỗi “anh không... lo được, cứ để em về với mẹ!”.
Và “tạm thời gửi vợ lại cho mẹ!”
Không phải chỉ “dọa” như vợ Hưng mà anh Thịnh đành đem vợ mình về Hậu Giang “tạm thời mẹ cho con gửi nhà con một thời gian” thật. Bởi theo anh Thịnh, vợ anh thuộc loại “vụng không chịu được” và càng đụng chuyện càng tức nên đành “giữ khoảng cách” vài tháng xem sao!
Linh, vợ của Thịnh đúng là... vụng về thật. Tôi thường nghe nhiều bà vợ trẻ than phiền về chồng mình rằng sau hôn nhân, họ thất vọng về chồng bởi các thói xấu như ở dơ, làm biếng bao lâu nay được che đậy kỹ nay ở chung mới bộc lộ hết. Trường hợp của Thịnh thì ngược lại, anh không ngờ vợ mình lại là người không biết cách sắp xếp cuộc sống chung lại còn vụng trong giao tiếp.
Là người miền Trung, Thịnh khá kỹ tính, nhà cửa anh yêu cầu lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Nơi anh “yêu cầu cao nhất” là căn bếp phải thoáng mát, sạch sẽ. Với anh, đi làm về là phải có cơm canh nóng sốt, vợ chồng hỷ hả ngồi ăn với nhau và kể chuyện trên trời dưới đất. Linh tất nhiên là không biết chuyện gì rồi bởi cô làm công nhân, suốt ngày ngồi trong phân xưởng. Theo Thịnh, điều này có thể... cho qua nhưng những khi có khách đến nhà chơi, ít nhất vợ cũng biết pha ly nước, ngồi hỏi han dăm ba câu chuyện. Đằng này vợ anh... trốn, hỏi sao không ra chào khách, Linh nói tui quê mùa, không biết ăn nói! Căn bếp nhỏ của họ thì nghênh ngang, bừa bộn bởi Linh luôn theo kiểu thích gì làm đó, nồi niêu xoong chảo lộn tùng phèo cả lên và chén dĩa thì “ăn xong để đó, chiều tối rửa lần thôi, cho khỏe!”. Nhà cửa luôn trong tình trạng bụi bặm trú ngụ thoải mái vì “mệt quá, tuần lau nhà một lần thôi!”.
Thịnh đã nhiều lần tỏ ra ngao ngán với cô vợ trẻ đẹp của mình. Anh “nghiệm” ra đúng là chuẩn mực để làm vợ... nhiều thật chứ không phải chỉ cần hiền lành, dễ thương và... nói gì nghe nấy như hồi mới yêu. Chưa kể là anh có nói gì, Linh cắc cớ: “Ông... giàu đến chừng nào mà cứ chê tui suốt vậy? Tui hả? Có đến mấy mối Hàn Quốc, Đài Loan đến hỏi à nghe. Hồi đó, tui ưng họ, giờ khỏi nghe anh... cằn nhằn!”.
Không thể lục đục mãi với vợ về chuyện sắp xếp cuộc sống, hơn nữa mới đây, anh nhận quyết định theo công trình dưới Bà Rịa - Vũng Tàu. Ít nhất cũng phải mỗi tuần mới về nhà một lần nên anh đành xin cho vợ nghỉ làm, đưa về nhà mẹ vợ... gửi tạm!
Bạn bè đùa Thịnh hơi... mạo hiểm khi gửi vợ về ngoại bởi theo họ, không biết vợ có chịu để cho mẹ mình “rèn luyện thêm” như anh mong ước hay là theo bạn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Tưởng Thịnh sợ mà đem vợ về nhưng không ngờ anh phẩy tay: “Cứ việc!”...
Tất nhiên, giải quyết như Thịnh cũng là cách không phải. Vợ chồng phải biết đồng cam cộng khổ, biết chấp nhận những khiếm khuyết của nhau. Nhưng trước hết, những bà vợ trẻ cần nhanh chóng... chuyển giai đoạn từ làm người yêu sang làm vợ. Có như thế mới vững vàng bước qua thời thơ ấu của hôn nhân một cách êm đẹp, thuận buồm xuôi gió hơn.
QUỲNH NHƯ