"Vỗ béo" để... lấy chồng

Thứ ba, ngày 30/07/2013

Để kiếm một tấm chồng, các bé gái ở quốc gia Tây Phi này phải chấp nhận thực hiện phương pháp“vỗ béo” từ lúc lên 8.

Quốc gia Tây Phi này đang đứng trước cuộc khủng hoảng béo phì khi phụ nữ Mauritania buộc phải “vỗ béo” mới có thể lấy được chồng. Đàn ông nước này quan niệm phải béo mới đẹp.

Béo phí là dấu hiệu của sự giàu có và thanh thế

Ở Mauritania, đất nước nằm giữa Tây Sahara và Senegal, người ta cho rằng phụ nữ càng béo càng tốt. Ngay từ lúc còn nhỏ, các bé gái đã bị in sâu trong suy nghĩ rằng phải béo mới được coi là hấp dẫn.

Ở một đất nước mà lương thực quý như vàng, việc có một người vợ béo thể hiện đó là một gia đình giàu có và thanh thế.

Để lấy được chồng, các cô gái phải tiêu thụ một lượng thức ăn chứa tới 15.000 calo mỗi ngày

Vì thế để có được một tấm chồng, nhiều trẻ em gái ở nước này đang bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm vì phải vỗ béo một cách không bình thường: thay vì ăn thì họ dùng thuốc tăng trọng (loại thuốc không được khuyến khích sử dụng) để đạt được số cân nặng tuyệt đối.

Nhà báo Mỹ Thomas Morton đã tới Mauritania để làm một bộ phim tài liệu về chủ đề này cho HBO. Ông không chỉ quan sát, tìm hiểu những gì đang xảy ra, mà ông còn thực hiện theo chế độ vỗ béo của phụ nữ Mauretania và uống loại thuốc mà họ sử dụng để tận mắt chứng kiến những hậu quả của chúng tới sức khỏe của mình.

Bằng cách đó ông đã phát hiện ra rằng các bé gái được bố mẹ “vỗ béo” từ lúc 8 tuổi theo một phương pháp được gọi là "gavage” - từ tiếng Pháp có nghĩa là ép ăn. Phương pháp này thường được sử dụng để nuôi ngỗng cho mục đích lấy gan để làm món pate gan ngỗng nổi tiếng thế giới.

Đến tuổi kết hôn, các cô gái được gửi đến những “trại vỗ béo” trên sa mạc, ở đây các cô gái được nhồi một lượng thức ăn có chứa tới 15.000 calo mỗi ngày.

Sữa dê, thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn "vỗ béo"

Thực đơn cho bữa ăn sáng của các cô gái có vụn bánh mì ngâm trong dầu ô liu cùng với sữa lạc đà. Các bữa ăn trong ngày của họ thông thường gồm thịt dê, bánh mì, quả sung và couscous (một món ăn vùng Bắc Phi, bột mì nấu với thịt hay nước thịt) và không thể thiếu sữa lạc đà.

Morton phát hiện ra rằng đa phần các cô gái cảm thấy bị tra tấn khi bị nhồi nhét một cách quá đáng. Trong khi đó, bố mẹ các cô gái lại tìm mọi cách, thậm chí “tra tấn” con mình bằng cách lấy kìm kẹp các đầu ngón chân, tay của họ nếu các cô gái chống đối.

"Tra tấn" khi các bé không chịu ăn (Ảnh: BBC News)

Thực hiện theo chế độ ăn uống của các cô gái Mauritania, sau 2 ngày, trọng lượng của Morton tăng lên gần 6,5kg. Ông cảm thấy người nôn nao và không bình thường. Morton nói: “Tôi có cảm giác như bị thức ăn lấp đầy toàn bộ khoang ngực, chèn cả vào phổi khiến tôi khó thở”.

Ông băn khoăn không hiểu các cô gái Mauritania làm sao có thể chịu đựng cảm giác đó hết ngày này sang tháng nọ. Morton cho biết ông cảm thấy mệt mỏi khi phải ăn một lượng thực phẩm “khủng” như vậy, và ông chắc chắn rằng phụ nữ Mauretanian cũng có cảm giác tương tự. Morton cho rằng đây cũng là lý do khiến phụ nữ nước này sau đó đã tìm một cách khác vừa giúp tăng trọng lượng mà không phải “tra tấn” dạ dày của mình.

Một phụ nữ địa phương tiết lộ với Morton: "Họ đã dùng một loại “thuốc nhồi” để thay thế việc ăn uống. Loại thuốc này được điều chế từ hợp chất hữu cơ sinh ra tự nhiên ở loài chim. Điều đáng nói là loại thuốc này không dùng cho người”.

Phụ nữ này cho biết, các kích thích tố tăng trưởng ở vật nuôi có trong loại thuốc này làm cho thân hình của những cô gái trở nên kỳ dị, mặt, ngực và bụng to kinh khủng, trong khi tay và chân bé tí. “Trông các cô ấy không giống con người”, phụ nữ này bức xúc.

Bà này cũng cho biết thêm, việc sử dụng loại thuốc này có thể khiến các cô gái bị vô sinh hoặc suy tim. Bà nói: "Họ không thể có con khi sử dụng loại thuốc này. Vấn đề nghiêm trọng hơn là loại thuốc này có thể khiến người dùng bị suy tim, thường xuyên bị nhồi máu cơ tim, rất ít người thoát được các biến chứng này”.

Nghiên cứu độc lập của Paula Braitstein đến từ Đại học Indiana và Đại học MOI (Mỹ) đã cho thấy rằng gần một phần tư phụ nữ Mauritania bị ép ăn như một đứa trẻ; trong khi đó 32% phụ nữ và 29% nam giới chấp nhận thực tế này.

Nghiên cứu của Braitstein cũng đưa ra kết luận rằng thực tế này sẽ không thể chấm dứt nếu xã hội Mauritania không có sự thay đổi về cái gọi là “chuẩn mực” về cái đẹp này.

Theo VOV