Viết về những người mẹ kiên trung: Người mẹ của niềm tự hào...
(BDO) Luôn sống theo chân lý riêng của mình bằng câu nói “chết vinh hơn sống nhục” khi nước nhà lâm nguy, nén đau thương trở thành hành động để mong có được cuộc sống ấm no hạnh phúc đó là điều cần làm, và ngày nay vẫn luôn tin tưởng vào thế hệ con cháu sẽ làm rạng danh non sông… là những gì chúng tôi cảm nhận khi được tiếp xúc cùng mẹ Võ Thị Bảnh, người mẹ Việt Nam, người mẹ của niềm tự hào vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Đã 93 tuổi nhưng mẹ VNAH Võ Thị Bảnh ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng vẫn còn hoạt bát, minh mẫn. Buồn tay buồn chân, mẹ chẳng chịu ngồi yên cho con cháu phục vụ, mà cứ ra vào, dọn dẹp nhà cửa trong, ngoài sạch trơn. Hôm chúng tôi đến thăm, trò chuyện với mẹ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, mẹ cứ nhắc đi nhắc lại câu nói “thà chết vinh hơn sống nhục”. Cũng với triết lý sống rạng ngời ấy, mẹ Bảnh và chồng từng một thời tham gia cách mạng. Và dường như lý tưởng cách mạng ấy đã được mẹ truyền lại cho các con của mình. Cả 4 người con của mẹ đều tham gia cách mạng. 3 người đã hy sinh, trong đó 2 người được công nhận là liệt sĩ.
Phóng viên Báo Bình Dương trò chuyện cùng mẹ VNAH Võ Thị Bảnh
Những năm tháng chiến tranh, vùng đất Mỹ Hạnh (Đức Hòa, Long An), quê hương của mẹ Bảnh cũng ác liệt lắm. Với quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, không biết có bao người con của mảnh đất ấy đã vác ba lô tòng quân. Họ ra đi với một lời thề son sắt “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong trùng trùng lớp lớp những đoàn quân ấy có anh Trần Văn Đực (sinh năm 1945), người con đầu mẹ Bảnh. Theo lời kể của mẹ, đầu tiên, anh Đực tham gia Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam. Sau đó, anh được điều về Công trường 9 (Sư đoàn 9). Năm 1965, trong trận đánh ác liệt tại Đồng Xoài, người chiến sĩ kiên trung đã mãi mãi nằm xuống khi chỉ mới tròn 20 tuổi. Một năm rưỡi sau ngày anh Đực hy sinh mẹ Bảnh mới nhận được giấy báo tử. Chẳng có ngôn từ nào có thể diễn tả hết nỗi đau đớn của một người mẹ đã mãi mãi mất đi đứa con thương yêu. Thế nhưng, mẹ Bảnh không cho phép nỗi đau dường như tột cùng ấy đánh gục. Mẹ nghĩ, chiến tranh là phải hy sinh, là phải mất mát. Máu của con mẹ đã đổ xuống để nhuộm thắm cho lá cờ Tổ quốc!
Thừa hưởng truyền thống cách mạng của gia đình và với lòng kiên trung của người con đất Việt, đến lượt chị Trần Thị Bé (sinh năm 1948), người con thứ ba của mẹ Bảnh cũng thoát ly gia đình làm cách mạng. Chiến tranh quá ác liệt, mẹ Bảnh không có nhiều thông tin về con gái. Chỉ nghe đâu chị Bé tham gia nhiều nhiệm vụ từ văn công, chuyển thương cho tới tải đạn. Chị đã hy sinh trong một trận chiến và đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt giống như người anh trai của mình là Nguyễn Văn Đực.
Noi gương người anh, người chị kiên trung, dũng cảm, anh Trần Văn Méo, người con thứ 4 của mẹ Bảnh cũng tham gia hoạt động du kích. Trong một lần kế hoạch bại lộ, anh bị địch bắt, tra tấn và giam gần 4 năm rưỡi mới được thả tự do.
Trong khi các con của mẹ cầm súng chiến đấu quả cảm nơi chiến trường, thì ở hậu phương, mẹ Bảnh và chồng là ông Trần Văn Liết cũng đồng lòng tham gia hoạt động cách mạng. Ở địa phương, phá đường, đào hầm, chuyển thương, tải đạn… chuyện gì có thể làm là vợ chồng mẹ đều xung phong, không một chút e sợ. Gia đình mẹ còn nuôi cán bộ trong một thời gian dài. Trong thời gian tham gia hoạt động, ông Liết, chồng mẹ Bảnh cũng bị nghi ngờ. Ông bị địch bắt, tra tấn nhưng quyết không hé răng nửa lời. Vì thế, bọn chúng đã giam giữ ông suốt 3 năm rưỡi mới thả. Riêng mẹ Bảnh còn là một trong những người xuống đường tích cực đấu tranh trực diện để đòi quyền tự do. Khi hòa bình lập lại, những việc làm của mẹ và chồng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng tấm Huân chương Kháng chiến hạng II có cả tên mẹ và chồng. Với mẹ, đó là niềm hạnh phúc lớn lao.
Đất nước hoàn toàn độc lập, những tưởng các con còn lại của mẹ sẽ được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc. Ấy vậy mà chiến trường Tây Nam vẫn chưa yên. Con của mẹ, anh Trần Văn Mó lại lên đường và gan dạ hy sinh tại Mộc Hóa, Long An vào năm 1978 với quân hàm trung đội trưởng.
Mất mát chồng chất từ chiến tranh, nhưng mẹ Bảnh vẫn kiên cường, tiếp tục khắc phục khó khăn để nuôi dạy con cháu nên người. Năm 1988, khi gần 70 tuổi, mẹ cùng chồng về xã Trừ Văn Thố, khai hoang lập nghiệp với ước mong con cháu của mẹ có cuộc sống ổn định, sung túc hơn. Có lẽ sự cần mẫn, lao động luôn chân luôn tay ấy giúp mẹ trông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn so với độ tuổi 93 của mình.
Mẹ là tấm gương sáng ngời để thế hệ trẻ học tập, noi theo. Thật khâm phục khi ở cái tuổi gần đất xa trời này, ánh mắt mẹ vẫn rực lên niềm hạnh phúc, lạc quan khi trò chuyện với chúng tôi về tương lai, về sự ấm no hạnh phúc của cuộc sống hòa bình hôm nay.
SONG ANH