Viết tiếp những kỳ tích!- Kỳ cuối
(BDO) Kỳ cuối: Hướng đến giàu đẹp, văn minh
Những năm qua, Bình Dương đã tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, góp phần tạo điều kiện cho người dân ổn định kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Hiện nay, Bình Dương đang hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh.
Bình Dương đang xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Trong ảnh: Một góc đô thị TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Sau 30 năm đổi mới và 20 năm tái lập tỉnh, diện mạo tỉnh Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi; từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp phát triển năng động bậc nhất cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã không ngừng đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đưa tỉnh nhà phát triển nhanh chóng, đồng bộ và khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn có sự thống nhất cao về nhận thức và nhất quán quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; xác định đúng mục tiêu, định hướng phát triển và đề ra những giải pháp thiết thực, phù hợp trong từng thời kỳ. Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị trong đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. |
ướng tới mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định một số chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,3%/ năm; đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người đạt 142,6 triệu đồng; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 70 - 75%; bình quân 1 vạn dân có 27 giường bệnh và 7,5 bác sĩ; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, trong thời gian tới Bình Dương đã đề ra một số chỉ tiêu định hướng và giải pháp phát triển. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa vào tri thức và công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; cùng với đó phát triển các ngành có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế; đồng thời phát triển công nghiệp chế tạo, hàm lượng kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng. Tỉnh cũng sẽ thúc đẩy dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ gắn với chỉnh trang và nâng cấp đô thị theo lộ trình; xây dựng và phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh với môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh sẽ thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; cùng với đó phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo lao động có chuyên môn kỹ thuật. Tỉnh cũng chú trọng tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn.
Bình Dương cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động; lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, gắn với công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, duy trì trật tự kỷ cương, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
PHƯƠNG LÊ