Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 8
Kỳ 8: Doanh nghiệp Nhà nước phát huy vai trò đầu tàu kinh tế
(BDO)
Đánh dấu bước chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nghị quyết của Đảng nêu rõ: “Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần”. Quán triệt tinh thần này, các DNNN của tỉnh đã phát huy vai trò đầu tàu, vừa góp phần kiến tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật vừa là hình mẫu trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Người lao động trong DNNN được tạo mọi thuận lợi để làm việc hiệu quả. (Ảnh chụp tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương thuộc Tổng Công ty 3-2). Ảnh: D.CHÍ
Kiến tạo hạ tầng
Trở lại những ngày đầu tái lập tỉnh, nguồn thu ngân sách của Bình Dương còn rất hạn chế, không đủ để tái đầu tư theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công ty Becamex (nay là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV - Becamex IDC) được giao quản lý đầu tư quốc lộ 13 bằng hình thức BOT. Đây là công trình giao thông đầu tiên của cả nước được đầu tư, khai thác theo hướng xã hội hóa, không bằng vốn ngân sách.
Cùng với vai trò chủ đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 13, Công ty Becamex còn tham gia xây dựng trục ĐT743 kết nối các khu công nghiệp (KCN) mới hình thành với các đô thị, sân bay, cảng biển trong vùng nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đại diện chủ đầu tư công trình này đã từng nói, ở các nước, công trình ngoài KCN là do Nhà nước xây dựng nhưng ở Bình Dương do nguồn kinh phí có hạn nên không thể thực hiện được. Trong điều kiện đó, chủ đầu tư KCN và các DNNN cùng tham gia đầu tư, kết nối hạ tầng, tạo thế và lực để các KCN phát triển. Bởi vì đường đến các KCN khó khăn thì hoạt động của KCN cũng sẽ khó khăn.
Một lý do khác giúp Bình Dương tăng tốc nhanh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn vốn ban đầu còn rất khó khăn là tầm nhìn và trách nhiệm của người đứng đầu các DNNN. Cụ thể, tại KCN Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An), nhà đầu tư vào KCN cần nguồn điện, viễn thông để sử dụng ngay, trong khi điều kiện thực tế các dịch vụ này chưa đáp ứng kịp. Công ty Becamex đã cùng các đối tác hợp tác đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng điện, viễn thông nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi. Phương thức hợp tác này vừa thỏa mãn nguyện vọng giữa các bên, vừa phù hợp với chủ trương đi tắt đón đầu trong phát triển kinh tế.
Trách nhiệm cộng đồng
Ông Huỳnh Công Phát, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương (3-2) chia sẻ: “Nhiều người vẫn có thói quen cho rằng làm DNNN là sung sướng nhất vì không phải cạnh tranh. Thực tế tại tổng công ty từ ngày thành lập đến nay, chúng tôi phải nỗ lực để vượt qua khó khăn, thử thách về vốn, thị trường và trách nhiệm xã hội. Thời điểm mới chia tách tỉnh, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Bình Dương nói chung, khu vực Thuận An nói riêng rất cao. Các DNNN cùng các đơn vị liên doanh, liên kết đã giải quyết việc làm, góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh nhà”.
Giai đoạn 2001-2005, Bình Dương đã đầu tư trên 45.547 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, tăng gấp 1,6 lần giai đoạn 1997- 2000. Một số công trình có số vốn đầu tư lớn được các DNNN thực hiện hoặc liên doanh, liên kết. Điển hình như Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị; khu phố chợ Đinh Bộ Lĩnh; công viên Phú Cường; Khu di tích lịch sử Thuận An Hòa… Trong khi đó, nhiều công trình mang lại lợi ích và làm thay đổi diện mạo tỉnh nhà như đại lộ Bình Dương; các đường liên tỉnh ĐT745, ĐT743… Từ các công trình hạ tầng, công ích do DNNN đầu tư đã tạo động lực cho kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Kỳ 9: Về đích trước kế hoạch
DUY CHÍ