Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 5

Thứ ba, ngày 06/12/2016

(BDO) Kỳ 5: Khu công nghiệp - đòn bẩy phát triển kinh tế

Phát triển thêm nhiều KCN

Trong giai đoạn 2000- 2005, nhờ kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công nghiệp của Bình Dương phát triển rất nhanh, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh. Sự tăng trưởng liên tục và nhanh chóng của công nghiệp cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa Bình Dương từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển trở thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc hàng cao nhất nước. Bình Dương cũng trở thành địa phương có nhiều KCN và cụm công nghiệp của cả nước.

Phát triển khu công nghiệp tạo đòn bẩy cho công nghiệp tỉnh nhà phát triển. Trong ảnh: Khu công nghiệp Mỹ Phước I (TX.Bến Cát) Ảnh: P.V

Giai đoạn này, tỉnh nhà đã phát triển thêm 9 KCN, nâng tổng số KCN trong tỉnh lên 16 với tổng diện tích trên 3.200 ha. Các KCN đã thu hút 1.890 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng; 606 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 2,259 tỷ USD. Có thể kể đến một số KCN tiêu biểu như Mỹ Phước, Sóng Thần… Từ những thành công trong việc phát triển KCN, Bình Dương được xác định là một trong những địa phương hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhằm tạo lực đẩy cho sự phát triển của vùng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, trong đó nền tảng là sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp. Nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, việc xây dựng khu liên hợp này giúp Nhà nước nắm được quỹ đất phục vụ cho nhu cầu phát triển. Qua đó định hướng mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế trong hiện tại và tương lai, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước và quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả theo quy hoạch chung.

Với cơ chế quản lý thông thoáng, số đơn vị sản xuất công nghiệp đến Bình Dương đầu tư tăng nhanh hàng năm. Nếu như năm 2000 trên địa bàn tỉnh mới có hơn 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp thì đến năm 2005 đã tăng lên hơn 5.000 cơ sở, chủ yếu nằm ở Thủ Dầu Một và các huyện phía nam của tỉnh. Điều đáng nói, các doanh nghiệp hoạt động trong KCN tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong phát triển lĩnh vực công nghiệp của tỉnh.

Tạo đà cho công nghiệp phát triển

Nhờ có định hướng rõ ràng, kiên trì phát triển theo mục tiêu, kế hoạch đã định sẵn, công nghiệp của tỉnh nhà trong giai đoạn 2000-2005, trong đó các KCN đóng vai trò chính thực sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 5 năm, sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 2 lần so với mức trung bình cả nước và cao hơn của vùng. Giá trị sản xuất

 công nghiệp hàng năm của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng cao và liên tục. Các ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao như thực phẩm, đồ uống, cơ khí, hóa chất, may mặc… Nhờ phát triển tốt, vận hành hợp lý, các KCN của tỉnh đã thu hút một lực lượng lao động lớn tham gia vào sản xuất công nghiệp. Mức thu nhập của lao động công nghiệp trong các KCN của tỉnh đều tăng hàng năm.

Cùng với việc phát triển các ngành công nghiệp, KCN, Bình Dương cũng rất quan tâm đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống nhằm tăng thu nhập cho nhân dân, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống như gốm sứ, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài… đã có nhiều thay đổi trong công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh.

Có thể nói, trong giai đoạn 2000-2005, các KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục là đòn bẩy cho kinh tế tỉnh nhà phát triển. Sự thành công trong việc phát triển công nghiệp nói chung và các KCN tại Bình Dương nói riêng trong giai đoạn này tiếp tục tạo đà cho những thành công hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Kỳ 6: Phát huy nội lực

 

 KHÁNH VINH