Viết tiếp những kỳ tích! – kỳ 21

Thứ bảy, ngày 24/12/2016

(BDO)  Kỳ 21: Nông nghiệp công nghệ cao phát triển đúng hướng

 Những năm qua, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Bình Dương diễn ra rất nhanh chóng. Trong điều kiện đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng có bước phát triển phù hợp.

 Hướng đi đột phá  

Năm 2014, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh đạt 14.272 tỷ đồng, tăng 3,7%; cơ cấu kinh tế nông nghiệp: trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp, tương ứng tỷ lệ 66,7% - 29,4% - 3,9%. Tính trong năm 2016, giátrị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh ước đạt 15.375 tỷ đồng, tăng 4,06% so với năm 2015. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.034 ha đất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 42,09% so năm 2015. Trong khi đó, chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển; khoảng 80% tổng đàn gia cầm được nuôi theo công nghệ tiên tiến.

Việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, phù hợp mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi heo công nghệ cao tại huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Hiện nay, toàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao. Các khu nông nghiệp công nghệ cao đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nổi bật trong số này có Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo), do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư. Trong khu này có mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính cho doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/vụ/ha…

Ngoài những doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, các hộvà cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã từng bước áp dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật canh tác theo công nghệ mới của nước ngoài và sử dụng các giống mới, canh tác theo quy trình VietGAP, Global GAP vào sản xuất. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng hiệu quả kinh tế của loại hình này mang lại cũng khá cao. Lợi nhuận từ các phương án chăn nuôi đạt trung bình từ 100 - 120 triệu đồng/lứa đối với đàn heo thịt nuôi từ 900 - 1.200 con và đàn gia cầm nuôi từ 12.000 - 15.000 con; trồng hoa lan cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm/1.000m2… Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập.

Tạo sự lan tỏa

Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND thay thế Quyết định 46 quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức xét duyệt và chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thẩm định 25 phương án vay vốn với tổng số tiền đề nghị vay hơn 90 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10- 2016, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã thẩm định 18 phương án, ký hợp đồng 15 phương án với tổng số tiền được duyệt vay hơn 54,3 tỷ đồng; hiện đã giải ngân 28,54 tỷ đồng theo tiến độ thực hiện của các phương án.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả khả quan nói trên là nhờ trong thời gian qua Bình Dương đã có nhiều đột phá trong việc đổi mới sản xuất nông nghiệp, đem lại nguồn lợi cho người nông dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500 mô hình ứng dụng sản xuất công nghệ cao. Ngành nông nghiệp đang nhân rộng các mô hình này để người dân ở vùng nông thôn cũng được tiếp cận.

 Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn xác định quá trình tất yếu của việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Vì vậy, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủtrang trại vànông dân đầu tư ứng dụng các công nghệ, quy trình canh tác mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hy vọng, ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẽ tạo nên nhiều bước đột phá hơn nữa trong thời gian tới.

 

QUỲNH NHIÊN 

Kỳ 22: Hướng đến nền nông nghiệp đô thị hiện đại