Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 19
(BDO) Kỳ 19: Công nghiệp phụ trợ tăng tốc
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) tại Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh, góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
CNPT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Kymco Việt Nam (KCN Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: P.LÊ
Thu hút nhiều dự án FDI
CNPT ngành dệt may, da - giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ của tỉnh phát triển mạnh trong những năm gần đây vàcónhững đóng góp quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp chếbiến của tỉnh. Mối liên kết giữa các nhàsản xuất sản phẩm CNPT vàcác nhàsản xuất thành phẩm cũng dần được thiết lập. Đến nay, Bình Dương đãhình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụliệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử.
Trong những năm qua, Bình Dương đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực CNPT. Chỉ riêng trong năm 2015, tỉnh đã thu hút dự án chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Polytex (Việt Nam) với vốn đầu tư 274,2 triệu USD vào Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng; Công ty TNHH NPC Toda đầu tư 30 triệu USD vào KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) II - A để sản xuất các sản phẩm nhựa các loại với quy mô gần 16.890 tấn/năm… Năm 2016, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, toàn tỉnh đã thu hút được 217 dự án FDI, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là trên 1 tỷ 929 triệu USD. Trong số những dự án đầu tư vào CNPT có Công ty TNHH Toda Plastics đã đầu tư vào KCN VSIP II A với tổng vốn đăng ký 50 tỷ đồng. Công ty này sản xuất các sản phẩm từ plastic, sản phẩm chịu lửa, các sản phẩm khác bằng kim loại...
Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành CNPT; trong đó dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ 953, cơ khí 710 doanh nghiệp.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư
Tuy nhiên, trong những năm qua, CNPT trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước, cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và CNPT phát triển chưa xứng tầm đã ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển CNPT, tỉnh đã có quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp để phục vụ phát triển CNPT. Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh hạ tầng các KCN đã và đang tạo thuận lợn lớn cho nhà đầu tư, tỉnh đã quy hoạch hơn 300 ha tại KCN Bàu Bàng để phát triển CNPT. Hiện nay, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại KCN Bàu Bàng đã khá hoàn chỉnh và đang thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình cho rằng, hiện nay, ngành da giày đang phải nhập khẩu chủ yếu nguồn nguyên liệu phụ trợ. Khi Bình Dương phát triển KCN phụ trợ, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi rất lớn, giúp họ tự chủ trong sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu.
Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng khẳng định, cùng với chính sách “trải thảm đỏ thu hút đầu tư” của tỉnh, huyện Bàu Bàng đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, triển khai, xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm thu hút các nhà đầu tư vào KCN. Huyện Bàu Bàng cũng tập trung cải cách hành chính và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư. Địa phương cũng sẽ phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp- TNHH MTV (Becamex IDC) thực hiện các chính sách an sinh xã hội như xây dựng nhà ở xã hội, trường học… để chăm lo cho người lao động, giúp cho người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài tại địa phương.
Tới đây, Bình Dương sẽ thực hiện công bố quy hoạch vùng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu gắn với phát triển CNPT. Đây là một trong những đòn bẩy thu hút đầu tư và thúc đẩy ngành CNPT phát triển. Điều này cũng sẽ tác động tích cực để sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển căn cơ và bền vững. Như vậy, việc Bình Dương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng KCN phụ trợ ở Bàu Bàng sẽ là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào CNPT tại Bình Dương.
Kỳ 20: Doanh nghiệp vững vàng hội nhập
PHƯƠNG LÊ