Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 11
(BDO) Kỳ 11: Thu hút đầu tư có chọn lọc
Giai đoạn 2005-2010 là thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 14%/năm. Điều đáng nói, trong giai đoạn khó khăn này, tỉnh nhà vẫn kiên quyết từ chối các dự án có khả năng gây tổn hại tới môi trường.
Bình Dương kiên quyết từ chối những dự án gây tổn hại đến môi trường, nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore là một trong những đơn vị trên địa bàn tỉnh đi đầu trong việc bảo vệ môi trường Ảnh: PHƯƠNG AN
Phát triển công nghiệp bền vững
Giai đoạn 2005-2010, Bình Dương có 5.553 doanh nghiệp (DN) trong nước, tổng vốn đầu tư đạt 44.990 tỷ đồng; nâng tổng số đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 9.012 DN trong nước, tổng vốn đăng ký 60.723 tỷ đồng. Trong khi đó, cả tỉnh thu hút thêm 846 dự án đầu tư nước ngoài; nâng tổng số DN có vốn đầu tư nước ngoài đến cuối năm 2010 trên địa bàn tỉnh lên 1.922 DN, tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD.
Giai đoạn 2005-2010, công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định phía nam của tỉnh và từng bước chuyển dịch lên phía bắc của tỉnh. Trong 2 năm 2008 và 2009, tuy gặp nhiều khó khăn do tác động suy thoái của kinh tế toàn cầu nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tốc độ cao, bình quân 20%/năm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tháng 7-2005, Bình Dương đã từ chối cấp phép cho hai dự án đầu tư nước ngoài do chủ đầu tư không đáp ứng các yêu cầu về xử lý môi trường. Đây là hai dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt - nhuộm, sản xuất các sản phẩm chăn và khăn lông, có tổng vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD. Giai đoạn 2005-2010, Bình Dương cũng đã kêu gọi các DN trong và ngoài nước phát triển công nghiệp công nghệ cao, ít sử dụng nguồn lao động, ít gây tổn hại đến môi trường. Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng bắt đầu được chuyển hướng theo công nghệ sinh học, công nghệ cao… |
Đối với các địa phương Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một, công nghiệp tăng trưởng mạnh và có dấu hiệu quá tải. Cùng với đó, đô thị ở những địa phương này tăng tốc. Trong khi đó, tỉnh đã có quy hoạch phát triển đô thị Thuận An, Dĩ An, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương. Thực tế này buộc tỉnh phải tính tới bài toán phát triển công nghiệp bền vững, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực trung tâm phát triển công nghiệp - đô thị.
Từ chối các dự án gây ô nhiễm môi trường
Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, giai đoạn 2005-2010, Bình Dương kiên quyết không tiếp nhận các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm; hạn chế các dự án ngoài khu - cụm công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoài khu dân cư, khu đô thị. Tỉnh còn tập trung đầu tư các tuyến thoát nước bên ngoài để đấu nối đồng bộ với hệ thống bên trong các khu công nghiệp. Một số dự án trọng điểm về môi trường có thể kể đến như khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương… Nhờ đó, đến cuối năm 2010, tỷ lệ chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được thu gom xử lý đạt 84%, tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom xử lý đạt 91,3%.
UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản; cùng với đó xây dựng vùng cấm, tạm cấm, hạn chế hoặc dừng khai thác một số tài nguyên khoáng sản, nước ngầm nhằm tránh tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên trên địa bàn.
Đối với công tác quản lý và bảo vệ môi trường cũng được tăng cường. Điển hình, Quỹ Bảo vệ môi trường được thành lập theo Quyết định số 805 ngày 5-3- 2009 của UBND tỉnh. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận nhằm giúp các DN có thêm nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quỹ bảo vệ môi trường ra đời là mong muốn của lãnh đạo tỉnh trong nỗ lực cùng DN đưa sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà theo hướng bền vững, khuyến khích DN phát triển công nghiệp với trình độ công nghệ cao. Sau này, Bình Dương đã mạnh dạn công bố Sách xanh lần đầu tiên vào năm 2011. Đây được coi là một quyết tâm của tỉnh xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường.
Kỳ 12: Phát triển dịch vụ gắn với đô thị
PHÙNG HIẾU