Viết tiếp những kỳ tích! - Kỳ 1
(BDO) Kỳ 1: Xắn tay vào việc ngay
Ngay sau ngày tái lập (1-1-1997), lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã bắt tay chỉ đạo nhiệm vụ kiến tạo cơ sở hạ tầng làm nền tảng để chuyển đổi nhanh nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong điều kiện hết sức khó khăn về vốn, kinh nghiệm nhưng với tinh thần đoàn kết vì một Bình Dương phát triển, các công trình hạ tầng kỹ thuật dần ra đời có tác dụng như chiếc đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy công nghiệp tỉnh nhà phát triển.
Đại lộ Bình Dương đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của tỉnh sau ngày tái lập Ảnh: X.THI
Dồn sức cho đường tạo lực
Để phát huy được lợi thế là cửa ngõ kết nối giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, đồng thời tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp, Bình Dương quyết định dồn sức đầu tư 2 tuyến đường tạo lực quan trọng là tuyến quốc lộ 13 nối liền TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương, tạo điểm nhấn về công nghiệp - đô thị cho tỉnh phát triển. Trong khi đó, đường ĐT743 góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các khu công nghiệp đang hình thành trên địa bàn với các trung tâm đô thị, sân bay, cảng biển trong khu vực. Công ty Becamex (nay là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV - Becamex IDC) được UBND tỉnh tin tưởng giao thực hiện các công trình này. Riêng với công trình nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đây là công trình cấp bộ quản lý, với yêu cầu kỹ thuật cao, lần đầu tiên được giao cho doanh nghiệp địa phương thực hiện.
Nhờ các công trình hạ tầng mang tính đòn bẩy, chỉ 4 năm sau ngày tái lập tỉnh, khả năng luân chuyển hàng hóa trên địa bàn Bình Dương đã tăng 21,1%; sản xuất công nghiệp tăng 32%. Chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành đến tham quan, học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, ông Lê Thanh Cung, khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh (nay đã nghỉ hưu) cho biết, bài học của Bình Dương là xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh và ngược lại, khó khăn của nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh. Dù rất khó khăn về vốn, kinh nghiệm nhưng các công trình hạ tầng mang tính đòn bẩy phải được đầu tư đúng mức, thể hiện tầm vóc chiến lược của thời kỳ phát triển.
Quyết tâm lớn lao
10 năm sau ngày tái lập tỉnh, tại lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Becamex IDC với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV chia sẻ: “10 năm trước, những đồng nghiệp với tôi không muốn mang tiền đến đây đầu tư. Nhưng sau đó chúng tôi vẫn quyết định tài trợ vốn để Bình Dương xây dựng quốc lộ 13 cùng nhiều công trình tạo lực khác. Vì chúng tôi thấy được ở địa phương này có sự quyết tâm rất lớn của tỉnh cùng với triển vọng mới đang mở ra. Quyết tâm đột phá đó đã tạo nên thành công của Bình Dương hôm nay”.
“Bình Dương vươn lên nhanh chóng so với các tỉnh, thành trong khu vực là nhờ trước tiên là ở đội ngũ cán bộ. Tiếp đến là tỉnh đã phát huy tốt vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng. Điều này đã được chỉ rõ trong đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước ta”. (Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) |
Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ kiến tạo và phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, Becamex IDC đã phát huy tối đa trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Becamex IDC nói, trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong khu công nghiệp. Ở các nước trên thế giới đều làm như thế, nhưng ở Bình Dương do khó khăn về ngân sách, chủ đầu tư khu công nghiệp đã cùng với tỉnh làm luôn cả hạ tầng ngoài khu công nghiệp. Vì lãnh đạo công ty thấy rằng, nếu hạ tầng trong khu công nghiệp tốt mà bên ngoài khó khăn thì việc nhà đầu tư đến với khu công nghiệp cũng khó khăn.
Kỳ 2: Công nghiệp làm nền tảng đột phá
DUY CHÍ