Viết tiếp câu chuyện thành công

Thứ hai, ngày 23/10/2023

(BDO) Nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương thực hiện Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”, vào cuối tuần qua, hai đơn vị đã phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương và ý nghĩa trong tiến trình đổi mới đất nước”.

Làm rõ hơn thành quả 25 năm

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh sau gần 40 năm đổi mới, cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước, Bình Dương đã trở thành địa phương tiên phong với những lựa chọn và cách làm đúng đắn để trở thành một trong những địa phương thành công nhất Việt Nam về mở cửa, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Ngày nay, Bình Dương đang là tỉnh công nghiệp hóa, thu nhập trung bình cao. Năm 2022, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước - 170 triệu đồng (tương đương trên 7.000 đô la Mỹ). Không chỉ xuất sắc trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Bình Dương còn đạt được những kết quả quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khẳng định sự phát triển của Bình Dương là một mô hình rất đặc biệt tại Việt Nam. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Sự thành công của Bình Dương xuất phát từ cách làm sáng tạo và riêng có của mình. Trong đó, sự “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và các doanh nghiệp (DN) đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó dự báo, nhiều nhân tố mới xuất hiện. GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh tọa đàm là một bước thảo luận nhằm nhận thức, đánh giá đúng và đầy đủ hơn về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương với tư cách là mô hình điển hình về phát triển địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới của đất nước và xây dựng lý luận về đường lối đổi mới của Đảng.

Trình bày tham luận “Mô hình phát triển tổng quát của tỉnh Bình Dương qua 25 năm, đặc trưng, thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp, kiến nghị”, TS Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, nhấn mạnh từ nhu cầu thực tế của tỉnh hình thành một số kiến nghị với Trung ương. Đó là Trung ương tiếp tục “mở đường” về phát triển văn hóa, con người; “mở đường” về phát triển đô thị thông minh bền vững và “mở đường” về sớm lập các “siêu lộ cao tốc của đô thị hóa”...

Trước đó, trong phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, mong muốn các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận, bình luận, làm rõ hơn, sâu sắc hơn những đặc điểm, đặc thù, những điều kiện và đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Bình Dương; từ đó rút ra những bài học phục vụ cho nhiệm vụ tổng kết mô hình phát triển không chỉ cho tỉnh Bình Dương mà cho cả nước.

Nhận diện cơ hội, thách thức

Tại tọa đàm lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 28 báo cáo tham luận. GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết nội dung các báo cáo rất sinh động, hàm chứa hàm lượng khoa học rất lớn. Ngoài ra, tại tọa đàm có 7 tham luận và 3 ý kiến trao đổi, thảo luận. Nội dung các tham luận và các ý kiến trao đổi đều phong phú, có giá trị về lý luận và thực tiễn.

Tọa đàm khoa học lần này là một bước thảo luận nhằm nhận thức, đánh giá đúng và đầy đủ hơn về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Nhiều tham luận tiếp cận vấn đề vừa có tính khái quát vừa có tính chuyên sâu; vừa có tính tổng kết thực tiễn, vừa có tính phát triển lý luận, như tham luận “Giải quyết một số mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Dương” của PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia khu vực II; tham luận “Mô hình phát triển tổng quát của tỉnh Bình Dương qua 25 năm, đặc trưng, thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp, kiến nghị” do TS Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh trình bày, hay tham luận “Bình Dương viết tiếp câu chuyện thành công về kinh tế sau 25 năm thế nào” của GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội...

‘‘ Tọa đàm nhằm tổng kết, đánh giá mô hình phát triển không chỉ cho Bình Dương mà lớn nữa là từ mô hình này triển khai, mở rộng ra, giúp cho việc phát triển các mô hình khác, để làm sao cả nước đều có sự phát triển thành công như Bình Dương...”.

(GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương)

Nhiều tham luận, thảo luận tại tọa đàm đều đánh giá, sau hơn 25 xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu phát triển hết sức ấn tượng trên các mặt. Đặc trưng nổi bật là thực hiện nhanh công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, đô thị, dịch vụ; phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng kết nối vùng; tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn liền với việc hình thành các khu công nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò chủ đạo của DN Nhà nước và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển DN Nhà nước - DN tư nhân - DN FDI; giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội như lao động việc làm, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và vấn đề nhà ở xã hội, cũng như bảo đảm các vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để DN, người dân ổn định, tin tưởng phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, mô hình phát triển đã qua cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Để tiếp tục phát triển tỉnh Bình Dương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Bình Dương cần tiếp tục kiên định đổi mới mô hình phát triển theo hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược; xây dựng các chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm; đồng thời thực hiện đồng bộ các trọng tâm và đột phá về thể chế, về hạ tầng, về nhân lực, về khoa học công nghệ và về đất đai để tối ưu hóa quá trình phát triển và nguồn lực của tỉnh Bình Dương...

TRÍ DŨNG