Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà bán lẻ

Thứ ba, ngày 03/11/2009

Hiện nay, các trung tâm bán lẻ như Big C, Lotte Mart... đang tận dụng thời cơ để nâng cao thị phần tại Việt Nam.

Đạt 85 tỷ USD vào năm 2012?

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà bán lẻ nước ngoài

Tại Hội nghị thượng đỉnh về Phân phối và Bán lẻ 2009 vừa diễn ra ở TP.HCM, nhiều nhà chuyên môn cho rằng: ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn trưởng thành, nghĩa là đang bùng nổ nhu cầu. Ông Simon Hildbrand, Giám đốc Chuỗi cung ứng thuộc Tập đoàn Linfox Logistics Việt Nam, cho biết: Tuy Việt Nam vẫn được một số nước trên thế giới nhìn nhận là nước chậm phát triển nhưng theo tôi đây lại là một nước phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á chỉ trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang là thị trường hấp dẫn đứng thứ 3, sau Ấn Độ và Nga, đối với các tập đoàn bán lẻ toàn cầu. Chính điều này đã vô hình trung đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trong mắt các nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có vị trí địa lý gần với một số thị trường quan trọng như Ấn Độ, Trung Quốc và các thị trường trung bình khác như Lào, Campuchia. Điều này đã giúp cho Việt Nam thu hút rất nhiều nhà phân phối và bán lẻ trên thế giới tìm đến mở rộng và phát triển thị trường.

Theo Tập đoàn Nghiên cứu thị trường của Mỹ RNCOS, tuy ngành bán lẻ Việt Nam được so sánh là có quy mô nhỏ hơn các thị trường tại nhiều nước phát triển ở châu Á nhưng Việt Nam đang chứng tỏ được những nền tảng vững chắc bằng giá trị doanh số bán lẻ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đạt gần 39 tỷ USD trong năm 2008. RNCOS dự báo rằng ngành công nghiệp bán lẻ của Việt Nam sẽ vượt qua con số 85 tỷ USD doanh thu vào năm 2012. Ông Trần Tĩnh Minh Triết, chuyên gia kinh tế của Cộng đồng Chuỗi cung ứng Việt Nam phân tích: “Trong giai đoạn 2007-2012 dự báo doanh thu ngành bán lẻ trong nước sẽ tăng từ 10 - 12% do tốc độ chi tiêu của người dân ngày một tăng lên và cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ về mở rộng thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại các kênh bán lẻ truyền thống vẫn thống trị thị trường trong nước nhưng đứng trước xu hướng mở cửa, mô hình kinh doanh hiện đại sẽ là động lực phát triển cho ngành bán lẻ trong tương lai, đây được gọi là thời kỳ “cách mạng hóa” của các công ty bán lẻ nội địa”.

Không chỉ toàn “màu hồng”

Cũng theo ông Triết, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khủng khiếp ít nhất trong vòng 5 năm tới một khi nhà đầu tư ứng dụng mạnh mẽ nhượng quyền thương mại. Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang tập trung đầu tư mở các cửa hàng đặc thù bán các mặt hàng gia dụng như đồ điện tử, nữ trang, quần áo, điện thoại di động, nhà sách, nước hoa và mỹ phẩm... Tất cả đang nhắm đến 2 điều là tận dụng vào tốc độ tiêu dùng đang tăng mạnh của người dân, nhất là lớp trẻ dưới 30 tuổi và tạo ra nhiều dịch vụ tốt nhất cho khách hàng với giá cả hợp lý bằng cách liên kết các chuỗi siêu thị mini, tiện lợi ngay tại các khu phố. Các nhà đầu tư ngoại có nhiều phương cách quảng bá, tận dụng mọi phương tiện từ truyền hình, internet, tờ rời cho đến các catalogue với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, đặc biệt là phương thức giao hàng tận nơi ở của khách hàng nên chắc chắn sẽ phát triển.

Tuy nhiên, ông Triết cũng lưu ý, sự phát triển này không phải luôn là một “màu hồng” vì vẫn còn nhiều thách thức trước mắt đang đợi nhiều tập đoàn bán lẻ và phân phối. Đó là đội ngũ nhân sự thiếu kinh nghiệm bán hàng còn nhiều; các nhà bán lẻ trong nước phải thường làm việc với đối tác nước ngoài để chia sẻ quyền quản lý và thông tin điều hành; giá tiêu dùng tăng từng ngày kéo theo sự căng thẳng trong nhu cầu hàng tiêu dùng của người dân; quan trọng hơn hết là nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng bán lẻ; cơ sở hạ tầng dành cho lĩnh vực giao nhận (logistics) còn yếu kém...

Ngoài ra, hậu cần cho hệ thống phân phối như kho bảo quản, các kho lạnh, xe tải chuyên dùng thiếu đồng bộ, chưa đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Việc tổ chức cung ứng hàng hóa chủ yếu là có gì bán nấy, chưa xây dựng được vùng cung cấp nguồn hàng ổn định để tiêu thụ. Tính chủ động trong hợp tác liên kết, liên doanh thu mua, tiêu thụ hàng hóa còn rời rạc. Do vậy, hệ thống thương mại bán lẻ của Việt Nam tuy đã có nhiều, nhưng còn mang nặng tính đại lý, thu lợi nhuận thấp. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã tìm ra “khe hở” này nhằm khai thác cơ hội từ sự sơ khai, thiếu chuyên nghiệp của Việt Nam. Cách tạo ra niềm tin và ấn tượng tốt cho khách hàng trong ngành bán lẻ là doanh nghiệp phải đưa sản xuất lên một mức độ minh bạch tuyệt đối.