"Việt Nam và Hoa Kỳ có thể chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng"
(BDO)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế. (Nguồn: CSIS)
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, chiều 8-7 (giờ địa phương) tức sáng 9-7 (giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington.
CSIS là cơ quan nghiên cứu và trao đổi học thuật hàng đầu của Hoa Kỳ, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi học thuật và đối thoại giữa chính giới, học giả, nhân dân các nước về các vấn đề quan trọng và thiết thực liên quan đến an ninh, hòa bình và phát triển trên thế giới.
Điểm lại những sự kiện đáng nhớ trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định truyền thống hòa hiếu và mong muốn nhất quán của nhân dân Việt Nam về quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Tổng Bí thư nêu rõ trong suốt chặng đường 20 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển năng động, liên tục và ngày càng sâu rộng, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng, từ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 đến ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2000, và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được những tiến triển tích cực và thực chất, trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.
Chia sẻ về chủ trương đối ngoại của Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh trong một thế giới toàn cầu hóa, sự tùy thuộc giữa các quốc gia ngày càng tăng cả về phát triển và an ninh thì luật pháp quốc tế, sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia càng cần được đề cao hơn bao giờ hết.
Việt Nam chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước trên thế giới, hình thành quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với các nước đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Tổng Bí thư chỉ rõ trước mắt, hai bên cùng nỗ lực không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ Đối tác toàn diện tạo cơ sở nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong tương lai. Động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo định hướng đó là những lợi ích chung mà hai nước cùng chia sẻ trong tăng cường hợp tác song phương một cách toàn diện, thúc đẩy hợp tác khu vực và nỗ lực đóng góp cho các vấn đề chung của thế giới.
Tổng Bí thư cho rằng hai nước có rất nhiều việc cần làm để đưa quan hệ song phương không ngừng tiến lên phía trước, trong đó việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước là hết sức quan trọng để đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững.
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là một trọng tâm, là nền tảng và là động lực phát triển quan hệ song phương, cần được đẩy mạnh hơn nữa. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường... là điểm sáng và là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng trong quan hệ hai nước. Đây cũng là những lĩnh vực liên quan đến chất lượng phát triển bền vững của Việt Nam và Hoa Kỳ với nhiều thế mạnh có thể chia sẻ.
Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh là yếu tố làm gia tăng sự tin cậy và giá trị chiến lược của quan hệ song phương, cần được tăng cường với các bước đi phù hợp với lợi ích của hai nước. Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Giao lưu nhân dân là lĩnh vực rất quan trọng để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư mong muốn chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, giúp họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Về vấn đề nhân quyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người. Mặc dù còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng Việt Nam đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế là lĩnh vực ngày càng quan trọng trong quan hệ hai nước.
Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề chống khủng bố, an ninh mạng, đối phó với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Tổng Bí thư chỉ rõ những bài học kinh nghiệm của lịch sử và những kết quả thực tế trong 20 năm qua cho thấy rất rõ rằng, hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, có lợi cho hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới.
Những khác biệt giữa hai nước là thực tế khách quan và là tất yếu trong một thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Nhưng thực tế trong 20 năm cũng cho thấy, hai nước có thể chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, và những khác biệt không thể là trở ngại cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.
Nhắc đến một câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt "Khi tin là có thể thì bạn đã đạt được một nửa thành công," Tổng Bí thư tin tưởng rằng hai bên có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc, các thế hệ con cháu luôn là bạn và đối tác tốt của nhau.
Tại cuộc nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề mà các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, học giả, nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ quan tâm, liên quan đến quan hệ hợp tác hai nước trong giai đoạn phát triển mới.
Trả lời câu hỏi của ông Richard Cronin, Trung tâm nghiên cứu Stimson Center về những vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng nhất sẽ được bàn thảo tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong đời sống chính trị của Việt Nam, được tổ chức 5 năm/lần. Đầu năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ XII, nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, việc triển khai Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và Hiến pháp 2013, phân tích dự báo tình hình mới của thế giới, đề ra những chủ trương chiến lược, tầm nhìn trung hạn và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh coi kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chăm lo đời sống cho nhân dân, các đối tượng yếu thế, tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Về chính trị, Việt Nam tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới cơ chế chính sách, luật pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Quốc phòng an ninh là nhiệm vụ chiến lược, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Trao đổi về việc tăng cường quan hệ đầu tư, thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Tổng Bí thư cho rằng đây là nền tảng quan trọng trong quan hệ hai nước. Những năm qua, mặc dù có những bước phát triển rất tích cực, nhưng quan hệ đầu tư, thương mại chưa tương xứng với yêu cầu, mong muốn của hai bên. Sắp tới, với tầm nhìn chiến lược, với sự nỗ lực thúc đẩy của hai bên, với việc sớm kết thúc đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực hiện những điều đã cam kết... quan hệ hợp tác hai nước sẽ có những bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa.
Tổng Bí thư mong muốn Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ; mong Hoa Kỳ với tiềm lực mạnh, sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
Ông Sato Limaye, Giám đốc Trung tâm Đông-Tây, một tổ chức có nhiều quan hệ hợp tác với Việt Nam, bày tỏ sự quan tâm về hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam có 3000 km bờ biển, coi phát triển kinh tế biển là một nhiệm vụ chiến lược, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Năm 2011, hai nước đã ký thỏa thuận về những lĩnh vực cần hợp tác về quốc phòng an ninh, sắp tới cần tiếp tục bàn, cụ thể hóa để hợp tác đạt kết quả cao hơn, như hợp tác nghiên cứu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn....
Trước ý kiến cho rằng còn có những quan ngại về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn về vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ quan tâm, Việt Nam cũng rất quan tâm, coi đây là mục tiêu chiến lược, mục tiêu cơ bản để phấn đấu, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, từng cá nhân và cả cộng đồng. Chưa bao giờ chúng tôi có đời sống dân chủ như bây giờ, chăm lo lợi ích của từng người, đồng thời chăm lo lợi ích chung của cộng đồng. Một số người vì vi phạm pháp luật mà bị bắt, xử lý theo pháp luật, chứ hoàn toàn không phải là do tín ngưỡng tôn giáo, hay không tín ngưỡng tôn giáo...
Theo TTXVN