Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
“Là quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong 7 năm, Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với tổ chức này”.
Tối 12-10 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu bầu bổ sung một số thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Với những nỗ lực đảm bảo quyền con người trong những năm qua, Việt Nam đã ứng cử trong lần bỏ phiếu này với mong muốn thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.
Phóng vên Đài TNVN thường trú tại Washington, Mỹ phỏng vấn ông Rolando Gomez thuộc văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền.
PV: Xin ông cho biết vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc?
Ông Rolando Gomez: Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc là Cơ quan quốc tế tối cao về quyền con người, chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, có nghĩa là phát hiện và giải quyết các cuộc khủng hoảng quyền con người, xử lý các vấn đề về quyền con người trên toàn thế giới, và khuyến khích các chính phủ cải thiện quyền con người.
Ông Rolando Gomez
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc không có chương trình nghị sự cụ thể nhưng có chương trình làm việc tổng quát liên quan đến tăng cường và đảm bảo quyền con người. Trong những năm gần đây, nhiều cuộc khủng hoảng về quyền con người trên thế giới đã được giải quyết nhanh chóng và chúng tôi hy vọng tiến triển tích cực này sẽ được duy trì trong những năm tới. Những thành viên được bầu chọn tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào ngày mai sẽ có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về quyền con người trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò và nghĩa vụ của các thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc?
Ông Rolando Gomez: Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc gồm 47 thành viên, mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của của Hội đồng, tức là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Điều đó không có nghĩa là chỉ "điểm mặt chỉ tên" các vấn đề quyền con người mà các thành viên còn phải hợp tác chặt chẽ, khuyến khích các nước cải thiện tình hình về nhân quyền nhằm đáp ứng các nhu cầu về quyền con người. Do vậy, mỗi thành viên của Hội đồng có vai trò quan trọng cũng như trách nhiệm lớn. Đây là vấn đề mà các quốc gia cần lưu tâm khi tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
PV:Việt Nam đã hoàn thành một số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng liên quan tới đảm bảo quyền con người như xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Vậy theo ông, nếu được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì với cộng đồng quốc tế thông qua những tiến bộ đã đạt được?
Ông Rolando Gomez: Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm với các nước khác. Khi nói tới Hội đồng Nhân quyền, chúng ta không chỉ nói tới 47 quốc gia thành viên.
Là quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong 7 năm qua, Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với tổ chức này. Chúng tôi đã có tiếng nói của một xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và quốc tế.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tạo ra mối liên kết giữa các vấn đề kinh tế xã hội với quyền con người. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã cho thấy việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo… thực sự là các vấn đề về quyền con người".
Theo VOV