Việt Nam trong top 20 nước bị mã độc tống tiền tấn công

Chủ nhật, ngày 14/05/2017
Chỉ trong vài giờ, mã độc WannaCry đã ảnh hưởng tới hơn 114.000 máy tính tại hầu khắp các quốc gia, trở thành vụ lây nhiễm ransomware lớn nhất lịch sử.

(BDO) Theo Kaspersky, mã độc tống tiền WannaCry đang lây lan mạnh trong đó chủ yếu gây ảnh hưởng tại Nga. Việt Nam nằm trong danh sách 20 nước hàng đầu bị tấn công, bên cạnh Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan...

viet-nam-trong-top-20-nuoc-bi-ma-doc-tong-tien-tan-cong

20 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi mã độc tống tiền WannaCry, theo Kaspersky.

THN cho hay, phạm vi lây lan của mã độc tống tiền này đã lên tới 99 quốc gia, số máy tính bị nhiễm không ngừng tăng. Có tổng tộng 16 tổ chức của Anh dính WannaCry trong đó bao gồm Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) buộc cơ sở này phải từ chối bệnh nhân, hủy bỏ các hoạt động và sắp xếp lại lịch hẹn.

Ransomware lớn nhất lịch sử cũng nhắm vào hãng viễn thông Telefónica của Tây Ban Nha với trên 85% máy tính. Những "nạn nhân" khác còn có công ty viễn thông Bồ Đào Nha, hãng MegaFon của Nga hay dịch vụ giao hàng FedEx. Người dùng tại Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines... cũng bị ảnh hưởng.

WannaCry lây nhiễm thế nào?

Tương tự các ransomware khác, mã độc tống tiền dụ người dùng bấm vào các email lừa đảo, thực hiện tải các tập tin hay ứng dụng độc hại. Sau khi nhiễm, WannaCry quét toàn bộ mạng nội bộ và lây lan sang tất cả máy tính cùng hệ thống.

viet-nam-trong-top-20-nuoc-bi-ma-doc-tong-tien-tan-cong-1

Mã độc tống tiền này được xác định tấn công thông qua lỗ hổng SMB trong hệ điều hành Windows bằng cách khai thác EternalBlue. Đáng chú ý, đây cũng chính là điểm mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sử dụng để hack các máy tính.

Mặc dù đã được Microsoft vá từ tháng 3 năm ngoái nhưng vẫn còn một lượng lớn máy tính chạy Windows 7 hay Server 2008 chưa cài đặt bản sửa lỗi này. Theo công ty công nghệ Mỹ, WannaCry không gây ảnh hưởng tới các máy tính chạy Windows 10 trong đợt tấn công này.

Sau khi lây nhiễm, WannaCry tiến hành mã hóa dữ liệu trên máy tính người dùng với các định dạng tập tin văn phòng, file đa phương tiện, mã nguồn lập trình, chứng chỉ mã hóa hay tập tin đồ họa... Tiếp theo nó hiển thị thông báo đòi tiền chuộc nếu muốn giải mã để cứu dữ liệu.

Trả tiền chưa chắc đã "yên thân"

viet-nam-trong-top-20-nuoc-bi-ma-doc-tong-tien-tan-cong-2

Thông báo của WannaCry được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, có tiếng Việt.

Với WannaCry, kẻ đứng sau mã độc này đòi người dùng trong ba ngày kể từ thông báo đầu tiên phải thanh toán 300 USD bằng tiền ảo Bitcoin để giải mã. Nếu quá thời hạn trên, số tiền chuộc sẽ tăng gấp đôi lên mức 600 USD và sau 7 ngày thì dữ liệu sẽ bị mất.

Mã độc hiển thị thông tin, hướng dẫn bằng 20 ngôn ngữ khác nhau trong đó có cả tiếng Việt. Ngoài ra, một đồng hồ đếm ngược cũng được thiết kế để cảnh báo.

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cảnh báo rằng việc chấp nhận trả tiền chuộc không đảm bảo người dùng sẽ lấy lại được toàn bộ dữ liệu. Một số mã độc tống tiền có thể "vòi" thêm các khoản lớn hơn, hoặc tiếp tục mã hóa trở lại.

Bảo vệ trước WannaCry

Người dùng được khuyến cáo cập nhật phần mềm cho các thiết bị cá nhân, máy chủ lên bản mới nhất. Với hệ điều hành đã ngừng hỗ trợ như Windows XP, Vista, Windows 8, Server 2003 và 2008, Microsoft cũng mới tung ra bản vá khẩn cấp.

Với các email, liên kết không đáng tin cậy, người dùng được khuyến cáo tuyệt đối không bấm vào. Ngoài ra, việc cài đặt phần mềm diệt virus cũng giúp tăng cường bảo vệ máy tính.

Theo VNE