Việt Nam tiếp tục là điểm sáng kinh tế trong khu vực ASEAN
(BDO) Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt mức kỷ lục trong thời gian qua.
Cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngày 6/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng UOB đã tổ chức Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” (“Cửa ngõ vào ASEAN”) năm 2024.
Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của 600 đại biểu là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) cùng đại diện các cơ quan ban ngành của Việt Nam.
Với chủ đề “ASEAN - Cửa ngõ hội nhập kinh tế thế giới,” hội nghị đã tập trung thảo luận về tiềm năng to lớn của khu vực ASEAN, các động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, đổi mới trong phát triển bền vững và quản lý chuỗi cung ứng.
Hội nghị cũng thảo luận về các cơ hội tăng trưởng và đầu tư cho các công ty đang kinh doanh bên trong ASEAN hoặc có kết nối với khu vực ASEAN, đặc biệt là tại Việt Nam, một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng trong khu vực, cửa ngõ cho các doanh nghiệp muốn đầu tư và mở rộng kinh doanh trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định định hướng xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh luôn theo đuổi xu hướng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng cùng phát triển với các đối tác.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam được khẳng định là khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu, tiếp tục là động lực lực tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Phan Văn Mãi, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang nỗ lực bắt kịp các xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh...
Với vai trò và vị trí của mình, Thành phố Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiệnt thuận lợi để các đối tác đến đầu tư, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thành phố.
Ông Phan Văn Mãi cho biết hiện nay, thành phố đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là kết nối liên vùng, khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang thừa hưởng, tạo điều kiện để phát triển một cơ chế chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược như các chính sách phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, tài chính quốc tế, công nghệ cao như công nghệ thông tin, vật liệu mới, năng lượng sạch, bán dẫn, chip điện từ...
Dưới góc độ nhà đầu tư tại Việt Nam, ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Singapore, cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á với tiềm năng đầy hứa hẹn. Với các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, lao động lành nghề và tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Mặt khác, Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt mức kỷ lục trong thời gian qua.
Cùng với đó, Việt Nam cũng là thị trường sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Singapore, phát biểu tại hội nghị.
Phân tích thêm vị trí và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đại dịch COVID-19, đã có sự thay đổi đáng kể hướng tới khả năng phục hồi, đa dạng hóa và an ninh của chuỗi cung ứng. Đã có sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia gần đã thách thức vị thế của Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Việt Nam là quốc gia tại ASEAN được hưởng lợi ít nhiều từ việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư lớn trên các lĩnh vực khác nhau; trong đó, ngành chế biến và sản xuất vẫn là ngành chủ đạo thu hút vốn FDI của Việt Nam, thu hút hơn 72% tổng vốn đầu tư vào năm 2023.
Điều này phù hợp với xu hướng lâu nay là Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng cho sản xuất do chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và chính sách thân thiện với doanh nghiệp.
Về mặt lao động, thị trường việc làm của Việt Nam đã có những diễn biến tích cực vào năm 2023, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,28%. Lực lượng lao động cũng tăng lên 52,4 triệu người, cho thấy nguồn lao động dồi dào tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc+1.”
Theo ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.
Theo các chuyên gia, môi trường thuận lợi mở ra thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam; trong đó, việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại giữa các khu vực với việc tăng cường các FTA sẽ thúc đẩy nhu cầu thương mại và cung cấp khả năng phục hồi trước các yếu tố kinh tế bên ngoài.
Cùng với đó, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững lâu dài, trong khi phát triển hơn nữa giao thông vận tải, hậu cần, năng lượng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ cải thiện kết nối, tăng cường khả năng cạnh tranh và giải phóng tiềm năng kinh tế.
Mặt khác, đơn giản hóa và nới lỏng các quy định, thúc đẩy tính minh bạch có thể thu hút thêm đầu tư và kích thích tinh thần khởi nghiệp trong nước./.
Theo TTXVN