Việt Nam-Mỹ hợp tác nghiên cứu tư vấn chính sách và chia sẻ tri thức
(BDO) Các chuyên gia Việt Nam và Mỹ cùng trao đổi về sự phát triển lý luận của Chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay và chia sẻ tri thức toàn cầu cũng như khả năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Theo phóng viên tại New York, thực hiện kế hoạch đối ngoại của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đoàn công tác do ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí Thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã thăm và làm việc chính thức tại bốn thành phố lớn New York, Boston, thủ đô Washington DC và San Francisco của Mỹ từ ngày 7-17/7.
Mục đích của chuyến thăm là nghiên cứu về đánh giá, dự báo tình hình thế giới, khu vực, nghiên cứu về sự thay đổi chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan khoa học và giáo dục, đào tạo của Việt Nam với bốn địa phương nói riêng và giữa hai nước nói chung, đồng thời trao đổi về sự phát triển lý luận của Chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay.
Đoàn công tác bao gồm các vị lãnh đạo và đại diện lãnh đạo của một số cơ quan trung ương, đồng thời là thành viên thường trực của một số tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng tìm hiểu và cập nhật tình hình nhằm góp phần làm sáng tỏ các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện tổng kết lý luận, đồng thời đề xuất các kiến nghị và giải pháp đột phá chiến lược cho lộ trình thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong những năm tới, hướng tới Mục tiêu 2030 và Tầm nhìn 2045, đặc biệt liên quan đến công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm của Việt Nam.
Đoàn đã làm việc tại New York và Boston trong hai ngày 8-9/7.
Tại New York, ông Nguyễn Xuân Thắng và đoàn có buổi thăm và làm việc với các cán bộ chủ chốt của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cũng như các cơ quan Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, chia sẻ và chúc mừng phái đoàn đã đóng góp quan trọng vào thành công của Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 7/6 vừa qua.
Đoàn đã có buổi tọa đàm khoa học “Giá trị nền tảng của Chủ nghĩa Marx và ý nghĩa trong thời đại ngày nay” cùng với các nhà lý luận và học giả của Mỹ tại Đại học New York.
Hai bên đã phân tích, luận giải và làm rõ những đóng góp quan trọng của Chủ nghĩa Marx đối với không chỉ sự định hình, phát triển của hệ thống chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 19, 20 mà còn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội trong thế kỷ 21, điển hình như vấn đề giá trị thặng dư, bóc lột giá trị thặng dư, sự suy thoái của môi trường và khủng hoảng tài chính…
Tọa đàm giúp các nhà lý luận Marxist của Mỹ hiểu rõ hơn về nhận thức lý luận Marxist và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đổi mới và phát triển ở Việt Nam hiện nay, góp phần luận giải những mâu thuẫn cơ bản và những thách thức lớn của thời đại hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Thắng (trái) trao đổi với đại diện lãnh đạo bang Massachusetts. Ảnh: Hoài Thành/TTXVN
Tại Boston, ông Nguyễn Xuân Thắng và đoàn đã có buổi gặp và trao đổi với Thứ trưởng phụ trách kinh tế của bang Massachusette Nam Phạm, cũng như với các chuyên gia của bang về khả năng hợp tác trong khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và bang.
Đoàn cũng chia sẻ ý kiến về đổi mới sáng tạo, công nghệ và hợp tác đầu tư với một số lãnh đạo và chuyên gia của Bộ Đầu tư thương mại bang Massachusette, cũng là bang hiện có quan hệ đầu tư với nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Đoàn cũng có buổi tọa đàm với các lãnh đạo và học giả của Đại học Harvard về chủ đề “Xu hướng dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cọ sát thương mại giữa các nước lớn gia tăng và những vấn đề đặt ra với Việt Nam,” đồng thời hai bên đã trao đổi về khả năng hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về khoa học lãnh đạo, quản trị và chính sách công, cũng như chương trình chia sẻ tri thức toàn cầu.
Chuyến thăm và làm việc của ông Nguyễn Xuân Thắng là hoạt động đối ngoại và học thuật trong chuỗi các hoạt động hướng tới 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời góp phần không ngừng vào củng cố và phát triển tình hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Theo VIETNAM+