Việt Nam không đơn độc trong cuộc đấu tranh chính nghĩa

Thứ ba, ngày 15/07/2014

  Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand tổ chức míttinh phản đối hành động của Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Hơn hai tháng sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động hung hăng, khiêu khích như chủ động đâm, va tàu cá và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc huy động thêm nhiều tàu và máy bay quân sự để bảo vệ giàn khoan, đưa thêm nhiều giàn khoan ra Biển Đông.

Cùng với những hành động gây hấn trên thực địa, Trung Quốc còn khiến dư luận thế giới phẫn nộ khi công bố bản đồ khổ dọc ngang nhiên nuốt trọn gần như toàn bộ Biển Đông.

Trước những bước đi ngang ngược của Trung Quốc, dư luận quốc tế không ngừng bày tỏ sự bất bình. Hòa cùng cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, chính giới nhiều nước, các tổ chức quốc tế và giới học giả tiếp tục lên tiếng phản đối những hành vi sai trái của Trung Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tháng Sáu vừa qua, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông do các hành động của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ lo ngại về các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực.

Hội đồng Nghị viện Tổ chức Pháp ngữ (APF) cũng thông qua nghị quyết kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh tại Biển Đông, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.

Tổ chức Liên đoàn Nhà báo ASEAN (CAJ) coi những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông là "sự hăm dọa" vì Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để chống lại các nước láng giềng yếu và nhỏ hơn hòng thúc đẩy những yêu sách chủ quyền phi lý, bất chấp truyền thống lịch sử và những bằng chứng thực tế cũng như mối quan hệ hòa bình lâu đời giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Trong khi đó, nhiều hội hữu nghị của các nước với Việt Nam cũng liên tục lên tiếng phản đối các hành động khiêu khích, sử dụng vũ lực cũng như tạo “sự đã rồi” của Trung Quốc để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý trên Biển Đông.

Hàng loạt hội thảo quốc tế về Biển Đông đã diễn ra tại Pháp, Sri Lanka, Na Uy, Argentina, Cuba, Mỹ… lên án những hành động sai trái của Trung Quốc, phản đối sự “mơ hồ” và thiếu cơ sở của bản đồ “9 đoạn” rồi “10 đoạn” mà Bắc Kinh công bố, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, thể hiện vai trò là một nước lớn có trách nhiệm.

Các chuyên gia, học giả cũng đánh giá cao cách hành xử kiềm chế, mang tính xây dựng của Việt Nam trước chiến thuật khiêu khích của Trung Quốc.

Lãnh đạo và chính giới nhiều nước cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng tình hình khu vực.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề cao vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông, cho rằng các tranh chấp không thể được giải quyết bằng vũ lực và cường quyền.

Mới đây nhất, ngày 10-7, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc đưa tình hình trở lại nguyên trạng trước ngày 1-5.

Việc toàn bộ 100 thượng nghị sỹ ủng hộ nghị quyết - điều khá hiếm hoi tại nghị trường Mỹ - cho thấy sự quan ngại của giới lập pháp Washington đối với các hành động thách thức cộng đồng quốc tế của Bắc Kinh.

Nghị quyết S.RES.412 nhấn mạnh các yêu sách lãnh thổ và hành động thách thức của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

Thượng viện Mỹ cũng lên án việc cưỡng chế, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực gây cản trở các hoạt động hàng hải, hối thúc chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đưa mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1-5-2014.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản ngày 11-6 cũng đã thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động khiêu khích ở Biển Đông, cho rằng việc Bắc Kinh đơn phương khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa và thông báo khu vực cấm tàu bè khiến quan hệ Việt-Trung và tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.

Nghị quyết khẳng định việc đơn phương uy hiếp, ép buộc, sử dụng vũ lực để tranh đoạt lãnh thổ, lãnh hải là không thể chấp nhận được.

Trong cuộc hội đàm mới đây với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng New Zealand John Key nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ những nguyên tắc và quy định của các thỏa ước quốc tế mà nước này đã tham gia và cần giải quyết một cách hòa bình bất đồng nảy sinh sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí tại Biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel cho rằng những động thái của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn hủy hoại vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Giới chức Australia cũng bày tỏ quan ngại về hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc thời gian qua đang ảnh hưởng xấu tới hòa bình và an ninh khu vực.

Theo Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcom Turnbull, chính sách sử dụng vũ lực đe dọa các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng và đẩy Bắc Kinh vào thế bị cô lập.

Rõ ràng, các hành động của Trung Quốc đều nhằm thực hiện tham vọng chiếm trọn Biển Đông thông qua những tuyên bố vô căn cứ về “đường lưỡi bò.”

Trong khi Trung Quốc luôn khẳng định về “sự trỗi dậy hòa bình” thì kiểu nói một đằng, làm một nẻo của Bắc Kinh đã và đang khiến dư luận quốc tế nghi ngờ và lo ngại. Những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực.

Việt Nam không đơn độc trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của mình./.

Theo TTXVN