Việt Nam - Hoa Kỳ ra tuyên bố chung

Thứ năm, ngày 09/07/2015

Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 7-7, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thông qua Tuyên bố về tầm nhìn chung.


Tổng thống Barack Obama bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 7-7. Ảnh: Reuters

(BDO) Nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong chuyến thăm, đã có cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 7-7, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung.

Việt Nam và Hoa Kỳ ghi nhận những phát triển tích cực và thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sự phát triển trong hợp tác kinh tế và thương mại, hợp tác trong việc xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh cũng như trong khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, quyền con người và tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trên những vấn đề cùng quan tâm.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013. Đặc biệt, thương mại và đầu tư song phương tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng; Hiệp định “123” về Hợp tác Sử dụng Năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đã có hiệu lực; Việt Nam đã thông qua Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí hủy diệt; Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương; Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng được ký kết; hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương được tăng cường.

Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam và các viện của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Hoa Kỳ cũng đã lần đầu tiên tiến hành các hoạt động đối thoại và trao đổi, như đã đề ra trong quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013.

Đạt được những kết quả trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chính là nhờ hai bên đã cùng có những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm vượt lên quá khứ, khắc phục khác biệt và thúc đẩy những lợi ích chung hướng tới tương lai.

Toàn văn tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ:

Tầm nhìn cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài

Hướng tới tương lai quan hệ song phương và phát huy quan hệ Đối tác toàn diện, hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững, và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai bên cam kết thúc đẩy tối đa lợi ích chung và sự hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Việc tăng cường quan hệ chính trị và ngoại giao, tăng cường trao đổi cấp cao và mở rộng tham vấn song phương nhằm tiếp tục xây dựng lòng tin và gia tăng hợp tác vẫn là ưu tiên đối với cả Việt Nam và Hoa Kỳ, tương tự như việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, làm sâu sắc hợp tác trong khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường và thực thi luật pháp.

Hai nước ghi nhận thành công của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều đóng góp của họ đối với sự phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như đối với mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Việt Nam và Hoa Kỳ tái khẳng định tiếp tục hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, như đã được đề cập trong Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ.

Hai nước nhấn mạnh cam kết phối hợp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, hợp tác an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và trao đổi công nghệ quốc phòng.

Hai nước hoan nghênh những nỗ lực chung nhằm xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh, bao gồm nhiệm vụ nhân đạo tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA), rà phá vật liệu chưa nổ, tẩy rửa chất độc dipxin và hỗ trợ hơn nữa đối với các nỗ lực nhân đạo này.

Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của ILO năm 1998 về Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc.

Hai nước quyết tâm thực hiện một Hiệp định TPP có chất lượng cao, cân bằng, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và tạo nên một khuôn khổ mới, lâu dài và cùng có lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế khu vực và đóng góp vào hợp tác và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế và tái khẳng định tiếp tục ủng hộ và tăng cường hợp tác mang tính xây dựng với Việt Nam, và Hoa Kỳ ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường.

Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt.

Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người.

Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản.

Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn Công ước về chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục Con người và Công ước về Quyền của Người Khuyết tật, và hai nước mong muốn thúc đẩy hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Việt Nam và Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy hợp tác giáo dục, bao gồm hợp tác thông qua những tổ chức như Trường Đại học Fulbright Việt Nam và các quan hệ đối tác giáo dục đại học khác cũng như trong các lĩnh vực hợp tác đào tạo tiếng Anh. Việc tăng cường giao lưu nhân dân tiếp tục có ý nghĩa quan trọng.

Hai nước mong muốn xem xét các biện pháp tạo thuận lợi về thị thực nhằm khuyến khích tăng số lượng khách du lịch, học sinh và các nhà doanh nghiệp đến hai nước, đồng thời kêu gọi các cơ quan liên quan của Việt Nam và Hoa Kỳ sớm hoàn tất một thỏa thuận song phương về việc xây dựng trụ sở mới của các cơ quan đại diện, kể cả các đại sứ quán của hai nước.

Tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và toàn cầu

Hoa Kỳ hoan nghênh chính sách hội nhập quốc tế tích cực của Việt Nam, và Việt Nam hoan nghênh chính sách của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước hoan nghênh đóng góp của nhau đối với việc ủng hộ hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng cam kết tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng có lợi ích và quan tâm.

Hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, xử lý các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, kể cả thiên tai, buôn bán động vật hoang dã, an ninh nguồn nước và đại dịch. Hai nước cam kết mở rộng phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và biến đổi khí hậu, bày tỏ quan tâm tới Hội nghị Cấp cao về An ninh Hạt nhân năm 2016 và mong muốn các quốc gia có hành động cụ thể nhằm thúc đẩy an ninh hạt nhân. Hai nước hứa hẹn mở rộng hợp tác về Chương trình Nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA), kể cả hướng tới sớm đạt các mục tiêu của GHSA.

Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực, như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Sáng kiến Hạ lưu Mê Kông và Diễn đàn Thượng đỉnh Đông Á, và ghi nhận tầm quan trọng của một ASEAN đoàn kết và vững mạnh, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc chính trị-an ninh khu vực, và Quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ - ASEAN.

Hai nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định. Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không hạn chế, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm tất cả các hành động và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, kể cả như đã được thể hiện trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS), và thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Những Hiệp định và Thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm

Các hiệp định và thỏa thuận dưới đây có đóng góp vào việc phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và tạo cơ sở vững chắc cho sự hợp tác trong tương lai mà hai nước sẽ tiếp tục xây dựng, bao gồm:

-  Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về tránh đánh thuế hai lần và ngăn  ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và Nghị định thư của Hiệp định;

-  Bản Ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc;

-  Bản Ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ về Chương trình các mối đe dọa đại dịch mới nổi và Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu;

-  Thỏa thuận Tài trợ giữa Cơ quan Phát triển và Thương mại Hoa Kỳ và Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam;

-  Việt Nam cấp giấy phép thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam mới.

Theo TTO