Việt Nam - Điểm sáng kinh tế, điểm đến an toàn
Trong bối cảnh thế giới chật vật với suy thoái kinh tế, những quốc gia phát triển, nhất là ở khu vực châu Âu liên tiếp bị đánh rớt điểm theo các tiêu chuẩn xếp hạng tín nhiệm quốc tế, cộng thêm sự bão hòa trong các liên kết nội khối. Thế nhưng, nhiều nước châu Á có xu hướng ngược lại, trong đó có Việt Nam được các chuyên gia kinh tế đánh giá đang là điểm sáng kinh tế và điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.
Vươn lên ngoạn mục
Trả lời hãng thông tấn Nga Itar-Tass, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Likhachev (vừa có chuyến thăm Việt Nam) ngày 30-8 khẳng định, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Nga-Việt phát triển năng động trong bối cảnh Việt Nam là đối tác chiến lược của LB Nga và châu Á đang được Nga ưu tiên phát triển quan hệ đối tác thương mại - đầu tư.
Du khách quốc tế tham quan TP.HCM. Về mặt tài chính, theo Wall Street Journal, trong một thông cáo phát đi ngày 29-8 của hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s Ratings Services (S&P), hãng này đã có những nhận xét tích cực đối với Việt Nam. S&P cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong nhiều năm qua đã giảm đi nhờ chính sách bình ổn của Chính phủ từ năm 2011. Cụ thể, sự giảm tốc cần thiết trong tăng trưởng vốn vay, ổn định giá cả trên thị trường bất động sản, sự xuống thang của lạm phát đã đạt được nhờ những chính sách này.
S&P cũng ghi nhận rằng, gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã bắt đầu thể hiện mong muốn giải quyết những vấn đề dài hạn trong hệ thống ngân hàng. S&P cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian qua là phản ứng trước lạm phát, áp lực lãi suất cao đối người vay vốn và đà giảm tốc độ tăng trưởng.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây tại khu vực Đông Nam Á do Phòng Thương mại Mỹ thực hiện được báo Wall Street Journal đăng tải ngày 30-8, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là địa điểm hàng đầu cho các kế hoạch đầu tư của giới doanh nghiệp Mỹ. 57% các công ty Mỹ được hỏi cho biết có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, trong khi chỉ 6% nói muốn mở rộng làm ăn ở Indonesia 11% dự tính tăng đầu tư ở thị trường Thái Lan.
Trang thông tin điện tử Maps of the world chuyên thống kê số liệu về tình hình địa chính trị và kinh tế - tài chính thế giới, trong đó có mục đánh giá cải cách các nước cũng đã có bài viết cho thấy toàn cảnh kinh tế Việt Nam qua quá trình cải cách hiệu quả. Bài viết có tựa đề “Thành tựu từ cải cách kinh tế ở Việt Nam”.
Bài viết nhắc lại thời gian Việt Nam thuộc nhóm các nước nghèo nhưng Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức bật tốt để vượt qua giai đoạn khó khăn. Việt Nam đã chuyển mình linh hoạt trở thành nền kinh tế thị trường, vận hành nhịp nhàng với chính sách tài khóa, tiền tệ, ngoại hối thích hợp. Từ đó, duy trì một nền kinh tế bền vững. Tốc độ tăng trưởng cũng là yếu tố nói lên sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Về thương mại, tỷ lệ xuất khẩu/GDP cũng nói lên được sức sản xuất của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP năm 1991 là 26,46%, năm 1995 là 31,94% và đến năm 2011, tỷ lệ này đã vượt qua mốc 80%.
Môi trường sống lành mạnh
Bài viết trên Maps of the world còn đề cập đến những con số đánh giá chất lượng sống và các tiêu chuẩn xã hội khác. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện. Trong số 170 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh về HDI, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người trung bình (nhóm này có 42 nước). Tỷ lệ trẻ đến trường ở các bậc học cũng tăng dần. Bên cạnh đó là những yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống cũng được đánh giá tích cực.
Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Australia vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI - Global Peace Index) năm 2012 cho 158 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 34. Đây là vị trí khá cao so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… Chỉ số này được xây dựng trên cơ sở 23 tiêu chí khác nhau từ mức độ tội phạm bạo lực, chi tiêu quân sự tới mối quan hệ với các nước láng giềng và mức độ ổn định chính trị quốc gia.
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, các ưu điểm chính của thị trường Việt Nam là môi trường chính trị ổn định, an toàn cá nhân cao và hệ thống chính trị nhà nước ổn định.
Theo SGGP