Việt Nam-Brazil đặt mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương

2024-11-18 09:37:14

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Brazil và doanh nghiệp Brazil sang đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn, thúc đẩy thương mại song phương.


Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Brazil.

Trong chương trình dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và hoạt động song phương tại Brazil, chiều 17/11 theo giờ địa phương, tại thành phố Rio de Janeiro, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Brazil.

Brazil hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil tăng nhanh, từ 1,53 tỷ USD năm 2011 lên hơn 7,1 tỷ USD năm 2023; 10 tháng năm 2024 đạt 6,58 tỷ USD. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.

Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, sắt thép; và nhập khẩu từ Brazil các mặt hàng đậu tương, lúa mỳ, ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại...

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 10/2024, Brazil có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,85 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai bên còn chưa xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị, ngoại giao, tại Diễn đàn, các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp hai nước được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, mong muốn hợp tác đầu tư của mỗi bên; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác hai nước, nhất là trong các lĩnh vực mà bên này có tiềm năng, thế mạnh mà bên kia có nhu cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Đại diện Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ Brazil cho rằng sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil năm 2023 và lần này, tiềm năng quan hệ thương mại giữa Brazil và Việt Nam được thúc đẩy thêm một bước. Ngày nay, Việt Nam là nhà cung cấp thứ 17 và là đối tác thương mại lớn thứ 18 của Brazil.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Brazil.

Brazil nhận thấy tiềm năng lớn trong hợp tác với Việt Nam nhất là trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, chip bán dẫn, nông nghiệp, an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và hợp tác Nam-Nam. Đặc biệt, Brazil hy vọng Hiệp định thương mại tự do Mercosur-Việt Nam sẽ sớm được ký kết, để thông qua Việt Nam, doanh nghiệp Brazil tiến vào thị trường ASEAN.

Nhắc lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại Rio de Janeiro trên hành trình tìm đường cứu nước và quá trình giành độc lập dân tộc của Việt Nam, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Brazil Paulo Teixeira đánh giá cao tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm thế giới; cho rằng hai bên cần thúc đẩy hợp tác, nhất là công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực không chỉ với mỗi nước mà đối với cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết quan hệ Việt Nam-Brazil đang tiếp tục phát triển tốt đẹp với tin cậy chính trị cao, đặc biệt trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng với Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, hai bên thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Brazil lên Đối tác chiến lược. Đây là nền tảng tốt để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Theo Thủ tướng, hai nước có nhiều điểm chung với tin cậy chính trị cao, nền kinh tế, thị trường hai nước có thế mạnh bổ trợ lẫn nhau, hai nền văn hóa gần gũi, tình cảm chân thành, cùng khát vọng hòa bình, phát triển đất nước; cho rằng điều kiện, không gian hợp tác phát triển của doanh nghiệp hai nước rất lớn, song hợp tác kinh tế chưa tương xứng với không gian, điều kiện hợp tác và mong muốn của hai bên; dư địa hợp tác, phát triển rất lớn mong muốn doanh nghiệp hai nước tận dụng cơ hội, hợp tác đầu tư nhiều hơn.

Bày tỏ vui mừng vì khả năng mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 10 tỷ USD, được đề ra trong chuyến thăm lần này tới Brazil, sẽ thành hiện thực, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Brazil và doanh nghiệp Brazil sang đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn, thúc đẩy thương mại song phương; nhất là hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, hợp tác với Việt Nam trong khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Thủ tướng cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối với doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), năng lượng tái tạo, tài chính xanh, trung tâm tài chính, công nghệ sinh học, y tế…

Để tháo gỡ những điểm nghẽn để đưa hợp tác kinh tế xứng tầm quan hệ chính trị ngoại giao và mong muốn của hai bên, Thủ tướng cho rằng hai bên cần thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA với Mercosur, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định về thị thực và Brazil xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp ủng hộ các nỗ lực nói trên để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Brazil.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược và đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo định hướng “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh;" cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Đánh giá cơ hội và điều kiện đã có, môi trường pháp lý đang tiếp tục được cải thiện, Thủ tướng mong các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối với nhau, kết nối hai nền kinh tế, kết nối đầu tư, kết nối thương mại, với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào."

Thủ tướng khẳng định có hy vọng và niềm tin vào hợp tác kinh tế sôi động hơn giữa hai nước, với khí thế mới, tầm nhìn mới và mang lại giá trị mới, góp phần biến khát vọng của hai nước trở thành hiện thực, đưa mỗi nước ngày càng phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ, hiệu quả và “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”./.

Theo TTXVN

Báo Bình Dương