Viết bài cảm tưởng về mẹ Việt Nam anh hùng - thương binh, liệt sĩ TX. Thuận An: Góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước
(BDO) Phòng Văn hóa - Thông tin TX.Thuận An vừa tổ chức trao giải Hội thi viết bài cảm tưởng về mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) - thương binh, liệt sĩ. Với sự tham gia nhiệt tình của nhiều đơn vị, hội thi đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong mọi tầng lớp nhân dân.
Các thí sinh đoạt giải trong hội thi. Ảnh: M.HIẾU
Nhà văn Chu Lai đã từng viết: “Những bà mẹ VNAH tuổi càng cao, càng nhiều nếp nhăn lại càng đẹp hơn. Hình như, các mẹ sống thay phần cho các con đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Ngày đêm không nguôi nhớ về những đứa con đã nằm xuống âm thầm dưới lòng đất mẹ, nỗi đau đã đến tận cùng nên không còn biết đau là gì nữa, vậy nhưng, tấm lòng các bà mẹ Việt Nam luôn bao dung, sẵn sàng thứ tha...”. Tuy không đặc sắc, không hoa mỹ như những lời văn ấy, nhưng các bài viết trong Hội thi viết bài cảm tưởng về mẹ VNAH - thương binh, liệt sĩ TX.Thuận An đã cho người đọc nhiều cảm xúc về sự chân thành biết ơn và quyết tâm sống, học tập, làm việc của các thế hệ hôm nay sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.
Sau gần 1 tháng phát động, với chủ đề “Nhớ ơn mẹ VNAH và các anh hùng thương binh, liệt sĩ”, hội thi đã thu hút 16 đơn vị tham gia với 462 bài dự thi. Trong đó có nhiều bài viết tay, đóng bìa và trang trí đẹp mắt với nhiều hình ảnh rất xúc động. Ấn tượng và xúc động nhất là bài viết của cô Nguyễn Thị Kim Tuyến (trường Tiểu học Tuy An). Bài viết này như một bài tâm sự, kể về anh hùng liệt sĩ Lê Văn Những (sinh năm 1927 tại ấp 4, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (nay là quận 12, TP.Hồ Chí Minh), về bà ngoại và những câu chuyện chống giặc giữgìn quê hương của gia đình. Cô Kim Tuyến cho biết: “Cũng như bao mẹ Việt Nam anh hùng, ngoại tôi cũng “tre già khóc măng non” vào ngày 8-11-1950, cậu Những đã bị giặc Pháp bắt khi đang làm nhiệm vụ và bị bọn chúng bắn chết tại cầu Rạch Dứa ở ấp 4, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (nay là quận 12, TP.Hồ Chí Minh). Ngoại cũng cố nén đau thương vào lòng như các mẹ, các chị khác, vẫn sừng sững hiên ngang như cây tùng, cây bách trước bão táp phong ba, như ngọn hải đăng trước mịt mù sóng cả”.
Để khắc ghi công lao của những người con đất Việt đã cống hiến thân mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, Nhà nước đã phong tặng cho cậu danh hiệu Anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Nay ngoại và mẹ của cô Tuyến đã qua đời, bằng Tổ quốc ghi công của cậu Những được giao lại cho gia đình cô Tuyến nhang khói để sưởi ấm hương linh cậu ở nơi lạnh giá. Song, gia đình cô Tuyến vẫn tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống cách mạng của gia đình. Cô Tuyến chia sẻ, sống trong cuộc sống thanh bình hôm nay, chúng tôi rất tự hào về cậu Những và bảo ban nhau khuyên dạy con cháu của mình ra sức học tập và làm việc xây dựng và phát triển quê hương.
Với những dòng tâm sự đầy xúc động được nắn nót qua từng con chữ, cùng nhiều hình ảnh minh họa hấp dẫn, bài cảm nhận của cô Kim Tuyến đã xuất sắc đoạt giải nhất. Giải nhì thuộc về Lăng Thị Thùy Dương (trường Tiểu học Bình Hòa 2) và Hoàng Thị Thái (trường Tiểu học Lê Thị Trung). Giải ba thuộc vềTrần Thị LệHằng (trường Tiểu học Hưng Lộc), Trương Thị Cúc (trường Tiểu học Bình Nhâm) và Lê Quang Hiệp (Hội Cựu chiến binh phường Lái Thiêu).
"Thông qua các bài dự thi, nhiều cá nhân, đơn vị đã có dịp tìm hiểu và bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã hy sinh cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Qua đó, hội thi cũng đã góp phần tuyên truyền và giáo dục được số đông về lịch sử truyền thống địa phương, lòng biết ơn về tinh thần đoàn kết học tập, noi gương thế hệ cha ông để xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp".
(Ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX.Thuận An)
MINH HIẾU