Viện trưởng VKSNDTC: Chúng ta chưa quyết liệt trong xử án kinh tế và tham nhũng
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) chất vấn: “Tỉ lệ bị cáo được tòa án tuyên, cho hưởng án treo nhiều, đặc biệt là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, gây băn khoăn cho nhân dân. Viện trưởng có biện pháp gì để giảm việc này?”.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn các ĐBQH sáng 14.6
“Án kinh tế, tham nhũng nhiều án treo cũng cho thấy phần nào chúng ta còn chưa quyết liệt trong xử án kinh tế và tham nhũng”, ông Bình thừa nhận.Ông Bình cung cấp thêm một số liệu là có đến 30% vụ án kinh tế, tham nhũng xử án treo, trong khi đó tỉ lệ này ở các vụ án loại khác chỉ khoảng hơn 20%.
ĐB Trương Thái Hiền (An Giang) thắc mắc liệu con số án treo trong án kinh tế, tham nhũng đến 30% như vậy là có sai sót hay “vấn đề” gì không?
Án kinh tế, tham nhũng nhiều án treo cũng cho thấy chúng ta còn chưa quyết liệt trong xử án kinh tế và tham nhũng...
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình
Viện trưởng VKSNDTC khẳng định tất cả các vụ án tham nhũng được xử án treo đều vận dụng đúng pháp luật.
Giải thích một trong những nguyên nhân của hiện trạng này, ông Bình cho rằng do quan điểm của pháp luật chúng ta hiện nay xử án kinh tế chú trọng việc thu hồi lại tiền, tài sản, hàng hóa, khắc phục hậu quả kinh tế.
“Chúng tôi sẽ cố gắng giảm án treo. Mặc dù vận dụng luật xử treo là đúng nhưng nếu quá nhiều thì sẽ xảy ra phản cảm”, ông Bình nói.
Người đứng đầu ngành kiểm sát cho biết đã yêu cầu trong ngành, đối với những án tham nhũng, cấp dưới đề xuất án treo thì phải trình cấp xử kiểm tra. Đồng thời, ông Bình khẳng định đã chỉ đạo hai tình tiết không được vận dụng để giảm nhẹ trong án tham nhũng là "có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu".
“Vì đặc thù của án này là đối tượng phạm tội đều có chức có quyền nên hầu như đều có nhân thân tốt. Việc phạm tội lần đầu cũng vậy, không thể có chuyện đã tham nhũng rồi lại tiếp tục được làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp”, ông Bình trình bày.
Đồng quan điểm, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng xu hướng án treo trong án tham nhũng, kinh tế có xu hướng giảm qua các năm (2010 là 36,5%; 2011 là 31,1%; 2012 là 30,2%) nhưng đánh giá án treo không phải đánh giá theo con số mà phải đánh giá trên cơ sở bản án cho hưởng án treo đúng hay không.
Ông Trương Hòa Bình cũng một lần nữa khẳng định “qua kiểm tra thì hầu như đều đúng pháp luật, chỉ có một số rất ít trường hợp không đúng”.
Cũng như bên VKSNDTC, theo ông Trương Hòa Bình, để hạn chế án treo, tòa án đã có quy định tòa nào xử có bản án treo thì phải trình vụ đó lên cho tòa giám đốc thẩm để kiểm tra.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đề cập thêm những khó khăn trong điều tra xử lý vụ án kinh tế, tham nhũng chính là đối tượng án này đều có chức quyền, có hành vi che giấu tội phạm tinh vi, nhiều thủ đoạn. Bên cạnh đó, việc giám định phức tạp, kéo dài vì liên quan đến nhiều giấy tờ chuyên ngành. Có những vụ giám định hoài chưa xong trong khi thời hạn điều tra vụ án đã hết (vì giám định không bị áp thời hạn).
Mặt khác, về luật, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị cần cụ thể hóa nhiều khái niệm như thế nào là ít nghiêm trọng, thế nào là nghiêm trọng, thế nào là đặc biệt nghiêm trọng,… để ngành công an có thể xác định tội danh đúng đắn.
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), hỏi thêm về số thống kê hằng năm của VKSNDTC báo cáo có đúng thực tế hay không. Theo ĐB Huệ trong khi tình hình tham nhũng và “chạy chỗ” trong các cơ quan được dư luận, cử tri đánh giá là khá nghiêm trọng thì số liệu thống kê lại rất ít, chỉ một vài cán bộ bị kỷ luật, còn truy tố thì không thấy.
Theo Viện trưởng Bình, nguyên tắc thống kê tội phạm là nhắm vào các đối tượng đã được đưa ra truy tố. Còn những chuyện “chạy chỗ” trong nhiều cơ quan là tội phạm ẩn, không nằm trong đối tượng thống kê tội phạm.
586 người bị kết án tử hình chưa thi hành án được
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: Hiện có 586 người bị kết án tử hình chưa thi hành án được vì chưa có thuốc độc. Riêng Hà Nội đã có 76 người chờ thi hành án, trong khi chỉ có 62 phòng giam; có án đã 5-6 năm giam giữ vẫn chưa thi hành. Điều này gây nên một áp lực giam giữ, tâm lý căng thẳng đối với cả người canh giữ lẫn phạm nhân. Vậy với trách nhiệm kiểm sát thi hành án, Viện trưởng có ý kiến gì?
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình: Trong 586 người bị kết án tử hình chưa thi hành án được hiện có 117 bản án đã có điều kiện thi hành. Việc này do thời gian qua chưa có thuốc độc tiêm. Viện đã có đề nghị sửa lại luật Thi hành án cho phép tử hình với 2 hình thức xử bắn và tiêm thuốc.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Về khó khăn là chưa có thuốc độc trong thi hành án vì phải nhập thuốc đó ở ngoài, vừa qua chúng tôi đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý thay thế thuốc ngoại bằng thuốc trong nước. Nghị định này sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 6.
Xem xét toàn diện, quyết định “vụ án vườn mít”
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) chất vấn: Một số vụ án xử đi, xử lại, miền Nam có vụ "vườn mít" là tiêu biểu, miền Bắc có vụ ba thanh niên hiếp dâm: lúc thả ra, lúc lại bắt vào. Như vậy năng lực điều tra, công tố thế nào?
Liên quan đến “vụ án vườn mít”, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng chuyện oan sai của một con người là điều quan trọng, thế mà "vụ án vườn mít" đã chục năm mà chưa ngã ngũ, đến giờ khi cao su đã cao quá đầu người (hiện trường vụ án vườn mít giờ đã trồng cây cao su - PV) mà công tố còn đi tìm chứng cứ. Vậy khi nào sẽ kết thúc?
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình: Chúng ta xót xa cho Lê Bá Mai thì ai sẽ xót xa cho gia đình có đứa con gái mới lớn đã bị hiếp và giết? Sau kỳ họp này, ngành kiểm sát sẽ họp lại để đánh giá, quyết định vụ việc.
Theo TNO